Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Biến đổi khí hậu không chừa một ai trên thế giới - Ảnh: Reuters
Đó là Nội dung một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố sáng 31-3 tại Nhật Bản.
“Trong vài thập kỷ trở lại đây, những thay đổi của khí hậu đã gây ra những ảnh hưởng lên mọi châu lục và khắp các đại dương” - theo báo cáo có ý nghĩa bước ngoặt công bố tại Yokohama (Nhật Bản) của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC). Đây được đánh giá là bản báo cáo toàn diện nhất về biến đổi khí hậu từ trước tới nay.
Cũng theo báo cáo, những ảnh hưởng tai hại của hiện tượng thời tiết cực đoan và các thiên tai cũng cho thấy khả năng thích ứng của loài người với biến đổi khí hậu là thấp. Nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, loài người sẽ phải đối mặt với các thảm họa nước biển dâng hủy hoại nhiều vùng ven biển; nạn đói lan rộng do tình trạng trái đất ấm lên, hạn hán và lũ lụt, các thành phố lớn bị phá hủy vì ngập lụt... Các hiện tượng thời tiết cực đoan và các cơn bão sẽ phá hủy những hạ tầng mà trước giờ con người vẫn cho là nghiễm nhiên sẵn có như điện, nước…
“Chúng ta sống trong một thời đại biến đổi khí hậu do con người tạo ra”, Vicente Barros - đồng chủ tịch nhóm chuẩn bị bản báo cáo nói. Theo ông: “Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta không được chuẩn bị cho những rủi ro biến đổi khí hậu mà chúng ta sẽ phải đối mặt”.
Báo cáo với tên gọi “Biến đổi khí hậu 2014: Những ảnh hưởng, Sự thích nghi và Sự dễ tổn thương” là báo cáo thứ hai trong loạt 4 nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới do IPCC bảo trợ.
Báo cáo nói con người vẫn có thể hạn chế nhiều rủi ro của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chính phủ cần mạnh tay hơn trong việc hạ mức thải khí gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Thêm vào đó, báo cáo nói các chính phủ có thể bảo vệ người dân của họ từ những rủi ro nếu họ hành động ngay bây giờ.
IPCC cho rằng khoảng cách giữa những gì giới khoa học muốn và hành động của các chính phủ vẫn còn rất lớn. “Khoa học rất rõ ràng và cuộc tranh luận đã kết thúc”, Sandeep Chamling Rai - đứng đầu Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) nói.
Theo Sandeep Chamling Rai, biến đổi khí hậu đang diễn ra và loài người là nguyên nhân chính do thải khí gây hiệu ứng nhà kính bởi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.