Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Xayaburi và thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông: Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định và thực hiện

(16:24:29 PM 31/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Ban điều phối viện trợ Nhân dân (PACCOM) phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phi chính phủ Việt Nam và một số cơ quan nghiên cứu đã tổ chức cuộc họp tại Hà Nội ngày 28 tháng 3 năm 2014, để chia sẻ các quan ngại về dự án thủy điện Xayaburi.

Xayaburi và thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông: Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định và thực hiện - Ảnh: IE

 

Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học, các chuyên gia, đại diện cơ quan của Quốc hội, Viện Nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức xã hội.

 

Nội dung của cuộc họp tập trung vào các vấn đề chính gồm: Tóm tắt về đập thủy điện Xayaburi và thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long; phân tích rủi ro tác động của thuỷ điện Xayaburi và các bậc thang thuỷ điện dòng chính sông Mê Kông đối với lưu vực Mê Kông và các nước Lào, Campuchia và Việt Nam; cập nhật quan điểm của các bên liên quan và định hướng tiếp theo trong vấn đề phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

 

Theo ý kiến của các chuyên gia, dự án đập thủy điện Xayaburi có tác động rất xấu đến môi trường, an ninh lương thực, giá trị đa dạng sinh học, phát triển bền vững và quan hệ hợp tác khu vực xuyên biên giới ở vùng hạ lưu sông Mê Kông.

 

Sông Mê Kông là nơi cung cấp nguồn cá giàu có cho 60 triệu người với giá trị thương mại trên 4 tỷ đô la hàng năm. Sông Mê Kông cũng là nơi cung cấp phù sa và dinh dưỡng để duy trì sự ổn định của vùng châu thổ Mê Kông và đồng bằng sông Cửu Long. Phần đồng bằng sông Mê Kông ở Việt Nam đem lại sinh kế cho 17 triệu người và đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực của cả nước. Với hơn 22% dân số sống ở đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng của đập đối với Việt Nam còn tăng thêm mối đe dọa về biến đổi khí hậu vốn đã rất nghiêm trọng và tạo ra nhiều thách thức đáng kể về kinh tế xã hội.

 

Dự án đập thủy điện Xayaburi đang được xây dựng là một trong 11 đập thủy điện lớn được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên dự án này đang không thực hiện đúng Hiệp định Mê Kông 1995 được ký bởi bốn nước hạ lưu sông Mê Kông bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Dự án đã được thiết kế, xây dựng và kêu gọi đầu tư mà không tuân thủ nghiêm túc thủ tục thông báo và tham vấn trước của Ủy ban sông Mê Kông. Đây là thủ tục bắt buộc cho tất cả các dự án trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông.

 

“Tương lai của sông Mê Kông và hàng triệu người đang sinh sống trên lưu vực này phụ thuộc vào quyết định của chính các quốc gia vùng hạ lưu,” Ông Phan Anh Sơn, Trưởng ban Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) phát biểu.

 

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2011, chính phủ Việt Nam chính thức đề nghị hoãn việc xây dựng thủy điện Xayaburi cũng như các dự án thủy điện khác trên dòng chính sông Mê Kông trong vòng 10 năm và để có thêm các nghiên cứu cần thiết hỗ trợ việc ra quyết định.

 

Các chuyên gia dự họp đều cho rằng cần thêm các nghiên cứu để hiểu sâu hơn về các tác động của đập thủy điện và từ đó đưa ra được các quyết định mang tính khoa học cho việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

 

Có nhiều phương án xây dựng thủy điện dọc trên một số dòng nhánh của sông Mê Kông, các phương án này đã được nghiên cứu chỉ ra là có ít ảnh hưởng đến việc cá di cư và do đó ít ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sinh kế. Ông Trần Xuân Việt, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nói: “Chúng ta hãy lắng nghe khoa học và cùng vạch ra con đường phát triển bền vững dọc theo hạ lưu sông Mê Kông.”

  

Các đại biểu tham dự cuộc họp đều mong muốn Chính phủ Lào tạm dừng việc xây dựng đập Xayaburi trên dòng chính sông Mê Kông trong một thời gian để tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của đập Xayaburi. Đồng thời, đề nghị chính phủ Thái Lan nên hành động có trách nhiệm và hủy bỏ hợp đồng mua bán điện cho đến khi có sự đồng thuận khu vực về các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Thêm vào đó các ngân hàng Thái Lan cần xem xét lại rủi ro các khoản cho vay trong dự án này, và việc ảnh hưởng đến uy tín quốc tế cũng như lợi nhuận tài chính của họ.

TMT