Chủ đề của chiến dịch Giờ Trái Đất ở Australia năm nay là ''Tắt đèn vì Rạn san hô'' nhằm kêu gọi bảo vệ hơn nữa Rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier Reef đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Trong vòng 1 giờ (từ 20h30 đến 21h30), Nhà hát Con Sò (Opera House), Cầu cảng Sydney (Harbour Bridge) và rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác ở Australia đã tắt đèn để phát đi thông điệp mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Tại Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra, gần 4.000 ngọn nến xếp thành dòng chữ ''Tắt đèn vì Rạn san hô'' để nhấn mạnh chủ đề của chiến dịch năm nay.
Hình thức thắp nến theo chủ đề cũng được áp dụng ở nhiều địa điểm khác, trong đó có các bãi biển nổi tiếng của Australia, nơi thu hút rất nhiều du khách.
Giới chức Australia cho biết năm nay có hơn 1.000 địa điểm đăng ký hưởng ứng Giờ Trái đất, con số lớn nhất từ trước tới nay. Điều đó cho thấy người dân Australia, từ các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng, tới câu lạc bộ sách, thể thao... rất muốn hành động mạnh mẽ hơn nữa để chống biến đổi khí hậu.
Theo giới chuyên môn, rạn san hô là một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Nước biển dâng, nhiệt độ nước biển tăng, ngày càng nhiều bão lớn, những hiện tượng đó đang khiến phương kế sinh nhai của 63.000 người bị đe dọa.
Rạn san hô lớn nhất thế giới đang biến mất với tỷ lệ 1-2% mỗi năm, vì vậy Chính phủ và người dân Australia đang nỗ lực tìm biện pháp để bảo vệ.
Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hàng năm do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên sáng lập nhằm nâng cao ý thức của con người về tình trạng biến đổi khí hậu.
Bắt đầu từ năm 2007 ở Sydney với khoảng 2 triệu người, tới nay đã có hàng trăm triệu người trên thế giới hưởng ứng.
Ước tính khoảng 7.000 thành phố ở ít nhất 154 quốc gia tham gia Giờ Trái Đất năm nay.