Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giờ Trái Đất – có phải chỉ là tắt đèn?

(11:51:20 AM 29/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Trong những ngày tháng ba, khi thành phố đang bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho chiến dịch Giờ Trái Đất, tôi lại nhớ đến những kỷ niệm của gia đình trong cái ngày đặc biệt này. Đối với tôi, cảm xúc về một giờ tắt đi các ánh sáng không cần thiết giống như một điểm nhấn đặc biệt trong một không gian đã quá ồn ã, vội vàng, tất bật.

 

Tôi không thể nào quên được hình ảnh của bố mẹ tôi, ngồi trong bóng tối, tay trong tay cùng xem Giờ Trái Đất trên Tivi.

 

Tôi không thể quên được vẻ mặt háo hức của hai bạn nhỏ nhà tôi khi tắt hết đèn điện trong nhà, cả nhà ngồi quanh một ngọn đèn nhỏ và yêu cầu tôi nói đi nói lại về ý nghĩa của Giờ Trái Đất.

 

Tôi không thể quên được thời điểm mà khu nhà tôi đang ở chìm vào bóng tối, lặng lẽ nhưng yên bình.

 

Tôi cũng không thể quên được hình ảnh đám đông cùng hát vang những bài ca về niềm tin và hy vọng về một thế giới mãi xanh trong đêm sự kiện.

 

Còn bạn thì sao? Ấn tượng về Giờ Trái Đất của bạn là gì?

 

Hỏi những người xung  quanh, câu trả lời tôi nhận được khá đa dạng.

 

Với những người đã từng tham gia vào chiến dịch Giờ Trái Đất, câu trả lời thường mang tính tích cực, họ hiểu Giờ Trái Đất là gì, ý nghĩa của Giờ Trái Đất, và kể về những tác động tích cực của Giờ Trái Đất đến đời sống hàng ngày của họ.

 

Tuy nhiên Giờ Trái Đất cũng được miêu tả bằng những  hình ảnh khác. Các bạn băn khoăn khi Giờ Trái Đất tắt đèn nhưng lại thắp lên hàng nghìn ngọn nến là nguồn phát thải Co2, một đêm sự kiện có hàng ngàn người tham gia cũng là nguồn phát thải Co2 khi di chuyển bằng xe cơ giới đến địa điểm tổ chức, cũng có những bạn lại quan ngại về vấn đề môi trường, vấn đề rác thải để lại sau mỗi chương trình Giờ Trái Đất. Có bạn đặt câu hỏi về việc năng lượng tiêu hao gấp nhiều lần để một dụng cụ điện khởi động lại so với việc dụng cụ ấy tiết kiệm được bao nhiêu điện năng khi được tắt đi trong vòng một giờ. Thâm chí có bạn nghĩ nó chỉ là phong trào.

 

Vâng, đúng là như vậy. Nó sẽ chỉ là một hoạt động mang tính phong trào nếu chúng ta nghĩ Giờ Trái Đất sẽ chỉ là một giờ tắt điện vào đêm kỷ niệm Giờ Trái Đất. Và chính bạn sẽ là người quyết định ý nghĩ của Giờ Trái Đất.

 

Giờ Trái Đất không yêu cầu bạn phải đi xe máy hàng chục cây số để về trung tâm tham dự sự kiện. Giờ Trái Đất cũng không yêu cầu bạn tắt toàn bộ đèn điện rồi thắp thật nhiều nến.  Giờ Trái Đất cũng không bị mang một câu chuyện về “xả rác” nếu bạn có ý thức giữ gì vệ sinh công cộng. Để tham gia vào Giờ Trái Đất, bạn có thể hẹn vài người bạn gần mình, đi bộ hoặc đạp xe tới 1 địa điểm quen thuộc gần gũi nào đó và nói chuyện về Giờ Trái Đất hay chỉ đơn giản là ở nhà và cùng tham gia tắt đi những ánh sáng và thiết bị điện không cần thiết.

 

Những chương trình Giờ Trái Đất vẫn được tổ chức trên toàn quốc, dù biết rằng những chương trình đó có tốn kém, vì cả tôi và bạn đều hiểu rằng có những vấn đề không thể đong đếm được bằng tiền mà phải tính đến những giá trị tinh thần to lớn mà nó mang lại về việc nâng cao ý thức quần chúng, về sự đoàn kết và tinh thần tự hào dân tộc trong nhân dân ở những sự kiện đại chúng.

 

 Giờ Trái Đất – có phải chỉ là tắt đèn?  

Nhân viên WWF đã sẵn sàng cho Giờ Trái Đất 2014. Còn bạn thì sao? 

 

Giờ Trái Đất là chiến dịch do WWF khởi xướng năm 2007 tại thành phố Sydney nhằm kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tắt điện 1 giờ từ 8:30 đến 9:30 vào tối thứ 7 của tuần cuối cùng của tháng Ba chỉ là một hành động biểu trưng, một tiếng đồng hồ trong tổng số 8700 giờ đồng hồ của năm để chúng ta có thể nghĩ về những việc chúng ta có thể làm cho Mẹ Trái Đất, từ nơi đó hàng giờ, hàng phút chúng ta lấy không khí để thở, đồ dùng và phương tiện để duy trì cuộc sống hàng ngày… Chiến dịch Giờ Trái Đất là một lời câu gọi khẩn thiết các chính phủ, các doanh nghiệp, các cộng đồng và các các nhân cùng hành động vì biến đổi khí hậu.  

 

  Chiến dịch này cho tới nay đã thu hút được hơn 7.000 thành phố, 158 quốc gia với trên 1 tỷ người tham gia hưởng ứng.

 

Chiến dịch Giờ Trái Đất trên toàn cầu năm nay đã là năm thứ 8, bước sang giai đoạn 3 trong chiến lược 10 năm Giờ Trái Đất. Chiến dịch cho tới nay đã thu hút được hơn 1/7 dân số thế giới và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Chỉ cần từng cá nhân cam kết hành động, thay đổi lớn sẽ được tạo ra.

 

Tôi đã thấy các cá nhân sau khi tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất đã hoàn toàn thay đổi cách sống. Các bạn hiểu được những vấn đề về môi trường và đã tự mình cam kết một cách sống lành mạnh hơn như đi xe đạp với những quãng đường dưới 2km, tiết kiệm điện bằng nhiều cách như không để điều hòa vào mùa hè 26 độ, không đi thang máy, nhắc mọi người ở nhà và công sở tắt đèn khi không dùng, không để đồ điện ở chế độ chờ, không tắm bồn để tiết kiệm nước, hạn chế dùng túi nylon, tắt máy xe khi chờ đèn đỏ trên 8 giây… Có những bạn lại chọn cách ăn chay để giảm lượng khí thải từ việc chăn nuôi. Có những bạn tham gia vào các dự án trồng cây gây rừng, làm xanh sạch môi trường. Hoặc chỉ đơn giản là các bạn có thêm thói quen bỏ rác vào đúng chỗ ở nơi công cộng.

 

Tôi cũng thấy các doanh nghiệp hành động nhiều hơn. WWF được mời làm tư vấn kỹ thuật cho nhiều chương trình của DN về đào tạo nhân viên trong ý thức, cách hành xử với môi trường sau cú huých GTĐ. Đi một bước xa hơn, rất nhiều doanh nghiệp đã tập trung phát triển những sản phẩm, thiết bị xanh, sạch. Những thiết bị đó có thể là những vật dụng nhỏ bé từ bóng đèn tiết kiệm điện hay các loại bếp cải tiến, tái tạo năng lượng từ những nguyên liệu bỏ đi của nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa… cho đến những thiết bị phức tạp hơn như hệ thống khí sinh học Biogas, tận dụng , biến đổi nguyên liệu thải từ chăn nuôi thành năng lượng sạch hay hệ thống máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. WWF-Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc đưa các sản phẩm  đó tới quần chúng nhân dân bằng cách tổ chức triển lãm, giới thiệu thiệu sản phẩm và sắp tới đây, WWF-Việt Nam sẽ kết hợp cùng với các doanh nghiệp xây dựng một phòng trưng bầy thường xuyên các sản phẩm thân thiện với môi trường tại thành phố Huế.

 

Việt Nam đã có một quá trình 6 năm tham gia vào chiến dịch Giờ Trái Đất. Đặc biệt là năm nay là năm thứ 3 Bộ công thương tiếp tục đứng ra tổ chức Giờ Trái Đất và đặt mục tiêu vận động tiết kiệm năng lượng là mục đích của chiến dịch nâng cao nhận thức này. Chương trình của Bộ đã thu hút được sự tham gia của tất cả 64 tỉnh thành của Việt Nam. Một niềm tin lớn có thể đặt vào những kế hoạch hành động tiếp theo chiến dịch nâng cao nhận thức có sự cam kết của chính phủ ở mức độ cao này.

NGUYỄN THÁI BÌNH - WWF Vietnam