Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Bùi Đức Hoan- Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ giới thiệu về khu quy hoạch tập trung trên bản đồ
Từ nguồn thu nhập khổng lồ...
Xã Tề Lỗ có 2.179 hộ, thì 59% số hộ làm nghề thu mua xe máy, ô-tô, máy súc, máy cẩu… cũ về tái chế thành xe mới tại 200 cơ sở đóng ngay tại xã. Trước đây, dân làng chuyên buôn lông gà lông vịt, sau đó chuyển sang thu mua phế liệu, sắt, thép. Đến năm 1995, nhận thấy đây là nghề mang lại thu nhập cao, lại được xã đứng ra bảo lãnh cho dân vay vốn từ các ngân hàng nên cả xã, rồi các xã lân cận mạnh dạn vay vốn đầu tư làm nghề.
Trung bình lao động làm nghề thu mua và tái chế, thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/ người/ tháng, cao hơn hẳn người làm nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo. Như để khẳng định, một chủ cơ sở sản xuất ở xã Tề Lỗ cho biết: “Ví dụ một hộ dân mua một chiếc ô-tô hỏng với giá 150 triệu đồng, về tái sửa lại bán với giá 180 triệu, trừ chi phí họ cũng lãi được một vài chục triệu. Một năm làm dăm con như thế, số tiền kiếm được trăm triệu, gấp hàng chục lần làm lúa”. Tề Lỗ như một điển hình làng nghề cho thu nhập cao, với sự xuất hiện của hàng trăm gương mặt “Giám đốc” trẻ ở một xã vốn thuần nông cách xa trung tâm huyện.
Tuy nhiên, với một xã có nghề như Tề Lỗ lại vẫn chưa có nguồn nước sạch, chủ yếu vẫn dùng giếng khoan. Nhưng để đi trước đón đầu, đề phóng bất trắc cho những rủi do về sức khỏe cho con cháu, chính quyền UBND xã cũng đã và đang quyết liệt tìm những phương án để giảm thiểu những vấn nạn về môi trường do phát triển kinh tế gây ra.
Nhanh chóng đi vào qui hoạch tập trung, giảm thiểu ô nhiễm
Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch cụm CN - TTCN làng nghề Tề Lỗ phát triển nghề chế biến sắt, nhựa, sản suất giống gia cầm với tổng diện tích trên 23 ha. Hiện nay, tỉnh đã có phương án đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng gồm điện, đường, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đầu tư vào cụm CN - TTCN Tề Lỗ. Đặc biệt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tỉnh và xã bố trí xây dựng bãi tập kết, chôn lấp xử lý rác thải, thành lập tổ quản lý môi trường nhằm quản lý chặt các nguồn rác thải, buộc các hộ sản xuất, kinh doanh phải đăng ký nguồn rác thải, danh mục máy móc thiết bị, phương tiện; các loại nước thải phải được tách rác, tạp chất bằng hệ thống các song chắn, sau đó đưa vào hệ thống xử lý hoá chất tách dầu mỡ; đối với các chất thải rắn nguy hại được phân loại ngay trong quá trình sản xuất, các loại sắt thép, kim loại mầu, nhựa, cao su, dây diện được bán cho các sơ sở tái chế, bình ắc quy, giẻ, gỗ được xử lý theo quy định hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, nguồn khí thải từ các lò nấu, luyện sắt, thép, nhôm phải được lắp đặt thiết bị tách bụi kiểu xyclon và xử lý bằng tháp hấp thụ sử dụng dung dịch nước vôi trong.
Hiện nay, cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng, đã và đang xây dựng cơ sở hạ tầng, bãi tập kết rác thải, nhiều cơ sở đã áp dụng biện pháp xử lý nước thải, rác thải, khí thải có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay khu công nghiệp vẫn chưa được hoàn thiện theo như mong đợi vì lý do thiếu kinh phí.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, UBND huyện Yên Lạc nhanh chóng vào cuộc giúp xã, giúp dân sớm được quy tập về khu công nghiệp ổn định để phát triển kinh tế cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện cũng nên thống nhất những quy chế phối hợp để tạo sự “đồng thuận” trong công tác quản lý giữa chính quyền UBND xã và Ban quản lý làng nghề trên địa bàn.
Cụm CN-TTCN đi vào hoạt động, dự kiến mỗi năm tái chế từ 800.000 đến 1.000.000 sản phẩm nhựa; tái chế phế thải kim loại từ 2.500 đến 3.000 tấn, đạt giá trị sản xuất từ 10 đến 11 tỷ đồng, thu hút từ 800 đến 900 lao động (trong đó giải quyết lao động tại cụm từ 400 đến 500 người. Hy vọng, tương lai không xa, khi đi vào quy mô, Tề Lỗ sẽ làm rất tốt trong phát triển kinh tế và chú trọng đến môi trường làng nghề.