Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một nghiên cứu của nhóm các bác sĩ ở Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM cho thấy, số trẻ phải nhập viện do căn bệnh nguy hiểm này tăng lên.
Một trẻ bị tiểu đường được các bác sĩ Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 cứu sống. Ảnh: Bác sĩ M.T
Chỉ riêng trong năm 2009, bệnh viện tiếp nhận bảy trẻ mắc bệnh tiểu đường. Từ đầu năm 2010 đến nay, bệnh viện cũng tiếp nhận hai trường hợp trẻ nhập viện.
Mới đây nhất, đầu tháng 1/2010, bệnh viện tiếp nhận trẻ mới tám ngày tuổi mắc tiểu đường do tế bào không sử dụng được đường vì thiếu insulin. Đây được xem là trường hợp hiếm có mắc bệnh khi còn sơ sinh ở Việt Nam.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi đồng 1, trong nhóm trẻ bị tiểu đường được điều trị, tần suất bệnh cao nhất ở hai nhóm tuổi là 5-bảy tuổi và cao nhất là 14 tuổi. Đa số trẻ mắc bệnh tiểu đường type 1. Một số ít mắc bệnh tiểu đường type 2 thường ở trẻ dư cân và béo phì.
Bác sĩ Tiến cho biết, ngày 12/2, các bác sĩ khoa này đã cứu sống bệnh nhi Phan Thị M. 4 tuổi ở quận 12 hôn mê do đái tháo đường gây nên. Trước đó, M. khỏe mạnh bình thường nhưng đột ngột nôn ói nhiều lần, sốt nhẹ, tiêu lỏng 1-2 lần nên người nhà nhầm tưởng bé bị rối loạn tiêu hóa và tự mua thuốc uống.
Tuy nhiên sau đó bệnh của trẻ ngày càng nặng hơn nên được đưa vào bệnh viện. Tại đây, em được thăm khám cho thấy đường huyết của bệnh nhân rất cao 1000mg% trong khi bình thường 80-120mg%.
Dễ nhầm bệnh khác
Đa số các trường hợp trẻ nhập viện được phát hiện tiểu đường đều được phụ huynh báo cáo bệnh liên quan đến tiêu hóa, bởi những triệu chứng của nó gần giống với bệnh tiêu hóa.
Mặc dù khuyến cáo của các chuyên gia y tế rằng triệu chứng của bệnh tiểu đường ở trẻ thường được gọi tóm tắt bằng “bốn nhiều” như uống nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều và sụt cân nhiều, nhưng theo nghiên cứu “Đặc điểm dịch tễ học và điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường ở trẻ em” của các bác sĩ BV Nhi đồng 1, việc phát hiện trẻ bị đái tháo đường hiện nay không phải dễ dàng đối với phụ huynh cũng như nhân viên y tế vì bệnh sử diễn tiến không điển hình như triệu chứng 4 nhiều trên.
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1, triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân chỉ chiếm tỉ lệ 10,3%, còn lại triệu chứng “uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân” chiếm tỉ lệ 25% trong tổng số các triệu chứng.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy trẻ bị tiểu đường nhập viện với nhiều lý do như triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Vì vậy, các bác sĩ lâm sàng dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác.
Tuân thủ nghiêm ngặt
Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Nội tiết BV Nhi đồng 1, tần suất tiểu đường ở trẻ sơ sinh là 1/400.000, nghĩa là trong 400.000 trường hợp sinh ra còn sống chỉ có một trường hợp là bị tiểu đường.
Đây là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ chất đường dẫn đến hậu quả là nồng độ đường trong máu vào buổi sáng chưa ăn cao hơn mức bình thường từ 126mg% trở lên.
Bệnh có thể gây ra những tổn thương mạch máu ở võng mạc: giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa; có thể suy thận; loét chân, lạnh và tổn thương thần kinh. Bệnh tiểu đường không lây cho người xung quanh nhưng có tính di truyền.
Theo bác sĩ Tiến, đối với những trẻ đã mắc bệnh đái tháo đường, phải tuân thủ chế độ điều trị hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà của bác sĩ, đặc biệt là việc sử dụng đúng và đủ liều insulin tại nhà, cũng như dặn dò những dấu hiệu sớm nhận biết trẻ đã bị đái tháo đường nhiễm toan ceton như buồn nôn, bỏ ăn, đau bụng, thở nhanh, lừ đừ, vật vã, để nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời”.