Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội: Hơn 83,5 ha đất sử dụng trái phép làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng

(10:45:37 AM 27/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Hà Nội luôn xác định quyết tâm và quyết liệt trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên sông. Nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm đã bị các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra, xử lý.

Ảnh minh hoạ: iE

 

Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tái diễn tại nhiều địa bàn, chưa được giải quyết dứt điểm và đang có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, sạt lở đất canh tác bãi bồi ven sông, ảnh hưởng dòng chảy và hệ thống đê kè, gây ô nhiễm môi trường khu vực, thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, vi phạm trật tự giao thông đường thủy.


Đáng lưu ý là việc sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng mặc dù đã được UBND các xã, phường có hợp đồng cho thuê thầu trái phép thực hiện hủy bỏ hợp đồng theo kết luận của các đoàn thanh tra liên ngành nhưng thực tế việc yêu cầu giải tỏa hoặc cưỡng chế giải tỏa các bãi chứa trái phép này còn nhiều hạn chế. Điển hình ở một số xã, phường ven sông thuộc các quận, huyện như Hoàng Mai, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh và Sóc Sơn. Trong khi đó, UBND các quận, huyện chưa tập trung chỉ đạo kiên quyết và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các ngành chức năng để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Lý giải nguyên nhân của những tồn tại trên, các quận, huyện cũng thẳng thắn thừa nhận trong công tác quản lý đất đai ven sông một thời gian dài trước đây bị buông lỏng dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích làm bãi chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng, lớn về quy mô và đối tượng vi phạm. Có nhiều trường hợp đã ký hợp đồng với chính quyền địa phương và thanh toán tiền nhiều năm liền nên khó khăn trong việc xử lý, giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu để đưa vào sử dụng đúng mục đích.

Đáng lưu ý, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc bị xử lý theo Luật Khoáng sản cũ rất thấp, không đủ sức răn đe. Từ 1/7/2011 đến nay (khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu hực) thì chưa có Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết xử lý vi phạm.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố hiện có một số loại khoáng sản chính và có triển vọng khai thác là đá xây dựng, cát xây dựng và cát san lấp, than bùn và puzonlan, phân bố chủ yếu tại lưu vực sông Hồng, Sông Đà, Sông Đáy, Sông Tích, sông Cà Lồ đi qua các quận, huyện như: Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Qua kiểm tra, trên địa bàn thành phố có tổng số 31 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, cấp cho 28 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, có 16 mỏ được cấp giấy phép đã hoạt động khai thác, còn lại 15 giấy phép các đơn vị đang thực hiện thủ tục thuê đất hoặc các thủ tục khác có liên quan đến hoạt động khai thác. Việc cấp phép luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối kết hợp với các ngành chức năng và các quận, huyện tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn.

 Cụ thể, qua kiểm tra 94 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng tại 9 quận, huyện cho thấy có tới 83,5 ha đất sử dụng trái phép. Trong đó, quận Hoàng Mai có diện tích đất sử dụng trái phép nhiều nhất với 381.300m2, các huyện: Phú Xuyên 137.800m2, Gia Lâm 73.200m2, Đông Anh 68.600m2, Đan Phượng 63.000m2, Thường Tín 52.000m2…

Theo kết luận của các Đoàn kiểm tra liên ngành, diện tích đất sử dụng trái phép trên phần lớn thuộc quỹ II do UBND xã, phường quản lý, sử dụng trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế thấp và đã ký hợp đồng cho các đơn vị cá nhân thuê thầu để làm bãi chứa vật liệu xây dựng (hoặc hợp đồng dưới hình thức sản xuất nông nghiệp). Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn phải hủy bỏ toàn bộ hợp đồng cho thuê thầu trái phép đã ký để quản lý và sử dụng đất đúng mục đích; đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân đình chỉ hoạt động bến bãi trung chuyển, nghiêm cấm kinh doanh tiêu thụ cát (chủ yếu là cát đen) không rõ nguồn gốc; giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi hoặc hạ tải để tránh sạt lở bãi bồi ven sông, đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Đoàn kiểm tra cũng đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm.

Đối với hoạt động của các bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố, hiện có 149 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép đang hoạt động. Trong đó có nhiều giấy phép được cấp cho các tổ chức, cá nhân hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định. Qua đợt kiểm tra cuối năm 2013 đối với 34 tổ chức, cá nhân sử dụng đất làm bãi chứa, có 12 giấy phép được cấp hoạt động bến thủy nội địa trên cơ sở các hợp đồng cho thuê đất trái phép hoặc sử dụng đất sai mục đích cho phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với các trường hợp này, Sở kiến nghị thành phố đề nghị Cục đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II thu hồi các giấy phép hoạt động đã cấp; đồng thời phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp tục kiểm tra, rà soát, thu hồi các giấy phép đã cấp không có hợp đồng thuê đất đúng pháp luật và xử lý nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không có giấy phép. Thành phố yêu cầu các ngành chức năng chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian tới, để xử lý dứt điểm những tồn tại trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép, thành phố Hà Nội cần tập trung chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm đối với cán bộ cấp xã, phường không thực hiện đúng nhiệm vụ cho thuê thầu trái phép mà không khắc phục được vi phạm. Đồng thời, rà soát những quy định hiện hành để kiến nghị các ngành chức năng bổ sung, sửa đổi, khắc phục những bất cập trong hoạt động quản lý Nhà nước về thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông.

Minh Nghĩa- TTXVN