Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những khó khăn trong công tác dự báo thời tiết trên biển ở nước ta hiện nay?

(10:56:50 AM 25/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Biển nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu nhiều rủi ro thiên tai hàng năm, gây thiệt hại kinh tế và xã hội nghiêm trọng và khó lường, nên việc dự báo chính xác thời tiết sẽ giúp khắc phục các thảm họa trên

Câu hỏi 86: Năng  lực và những khó  khăn trong công tác dự báo thời tiết trên biển ở nước ta hiện nay?

 

Ảnh: TL



Đáp: Biển nước ta nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu nhiều rủi ro thiên tai hàng năm, gây thiệt hại kinh tế  và xã hội nghiêm trọng và khó lường, nên việc dự báo chính xác thời tiết sẽ giúp  khắc phục các thảm họa trên. Để dự báo khí tượng  -  thủy văn (KTTV), trong đó có KTTV biển, cần có 3 thành phần chính sau:


-  Hệ thống quan trắc, gồm các trạm, các phương tiện, thiết bị  quan trắc, đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn (các trạm KTTV, Rađa  thời  tiết,  các  vệ  tinh  khí  tượng  và  các  thiết  bị  thu  trên  mặt đất,...).


-  Hệ thống thông tin liên lạc, gồm các mạng lưới viễn thông thu thập số liệu từ các trạm quan trắc trong nước và trên thế giới về các đơn vị dự báo, truyền phát các sản phẩm dự báo đến đối tượng sử dụng.


- Hệ thống xử lý số liệu, tạo ra sản phẩm dự báo, gồm toàn bộ phương tiện, công cụ xử lý, phân tích số liệu thu thập được và mô hình dự báo số trị phân giải cao để đưa ra sản phẩm dự báo.


Riêng công tác quan trắc KTTV biển của Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ mới có 18 trạm hải văn dọc theo bờ biển, các trạm khí tượng trên các đảo, một số ra-đa thời tiết ven biển. Để dự báo bão hay áp thấp nhiệt đới khi còn cách xa bờ, chủ yếu vẫn dùng số liệu từ vệ tinh khí tượng. So với các nước trong khu vực, chúng ta còn  207 thiếu hệ thống các trạm  quan trắc gắn trên các phao cố định trên biển, hệ thống thông tin thu thập số liệu khí tượng từ các tàu vận tải đi qua vùng biển nước ta. Chúng ta mới có một tàu khảo sát biển  chuyên dụng đã cũ và lạc hậu và cũng chưa thể thực hiện được các  đợt khảo sát một cách có hệ thống. Trong khi các nước phát triển  còn sử dụng máy bay chuyên dụng để thám sát bão khi bão còn ở trên biển để tăng thêm thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu  và dự báo bão. Có thể nói, số liệu quan trắc về KTTV biển ở nước  ta còn nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu dự báo KTTV biển, đặc  biệt các dự báo ngắn hạn.


Về  hệ thống thông tin liên lạc:  Hiện  nay, hệ thống thông tin liên lạc khí tượng  -  thủy văn của nước ta đang được sử dụng gồm  nhiều mạng thông tin như: Mạng viễn thông toàn cầu GTS, mạng  Internet, mạng thông tin nội địa,...  Tuy nhiên, với hệ thống thông tin khí tượng thủy văn trên biển thì chủ  yếu phải sử dụng hệ thống thông tin qua vệ tinh. Do giá thành thiết bị và đặc biệt là chi phí  vận hành còn cao nên thông tin khí tượng  -  thủy văn trên biển vẫn  còn là một khó khăn lớn. Vì thế, hệ thống thông tin chuyên ngành  khí  tượng  -  thủy  văn  cần  được  trang  bị  và  ứng  dụng  những  công nghệ mới để đảm bảo tốc độ truyền tin, tính ổn định cao và thông suốt trong mọi tình huống.


Về công nghệ dự báo, hệ thống xử lý số liệu: Hiện tại, đối với KTTV biển, ngoài các bản tin dự báo thời tiết thông thường có dự  báo  bão,  áp thấp nhiệt đới, sóng biển, nước dâng do bão. Các dự báo biển cần thiết khác như dòng chảy biển, nhiệt độ, độ mặn nước biển,…  vẫn chưa được tiến hành. Về năng lực dự báo KTTV biển hiện nay có thể tóm tắt như sau:


- Dự báo bão: Đã đạt được trình độ dự báo bão trung bình của thế giới với độ chính xác: cơn bão mạnh từ cấp 12 trở lên thì việc xác định tâm bão sai số là 10 - 20 km, đối với những cơn bão cường độ trung bình và yếu thì sai số xác định tâm bão rất lớn, lên tới 100 km; đối với quỹ đạo bão, sai số trung bình dự báo trong 24 giờ là  150 km, trong 48 giờ là 250 km và trong 72 giờ là 350 km (chính vì  vậy, dự báo quỹ đạo bão trong 72 giờ chỉ mang tính tham khảo).


- Dự báo áp thấp nhiệt đới: sai số xác định tâm áp thấp nhiệt đới  luôn lớn hơn so với xác định tâm bão, lên tới 100 - 200 km.


- Dự báo sóng biển: bản tin dự báo sóng biển mới chỉ được thực  hiện 02 lần/ngày và cho 10 vùng dự báo với các thông tin về  độ cao, hướng truyền sóng và các thông tin cảnh báo. Tuy nhiên các thông tin này vẫn còn có  sai số lớn, đặc biệt là đối với khu vực ven bờ trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.


-  Dự báo nước dâng do bão: bản tin dự báo, cảnh báo nước  dâng do bão còn chung chung, chưa cụ thể về độ cao nước dâng và thời điểm xảy ra, chưa chi tiết hoá được đến từng  vùng ven biển, đến cấp tỉnh, cấp huyện theo yêu cầu của Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ.


Công tác dự báo KTTV biển ở nước ta cũng đang gặp phải những khó khăn về nguồn nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất như  thực trạng về hệ thống dự báo KTTV nói  chung của nước ta hiện nay đã nêu ở trên. Riêng đối với công tác dự báo KTTV biển đang  có những khó khăn, hạn chế là:


-  Chưa có mô hình tính toán và dự  báo nước dâng do bão có độ  tin cậy cao, do vậy chưa xây dựng được công nghệ  dự  báo nước dâng do bão một  cách đáng tin cậy, chi tiết đến từng tỉnh, huyện  ven bờ.


-  Mô hình  tính toán  dự báo sóng chưa  được kiểm nghiệm và  đánh giá nhiều, lưới tính sử  dụng hiện tại có độ  phân giải thô do vậy các sai số gặp phải trong một số trường hợp còn cao, đặc biệt là sai số lớn tại vùng ven bờ.


-  Hệ  thống quan trắc số  liệu biển còn thiếu, thưa, công nghệ truyền rất thô sơ và chậm, chưa đạt mức tức thời (thời gian thực).


-  Chưa có hệ  thống cơ sở  dữ  liệu và phần mềm hỗ  trợ  dự  báo viên làm nghiệp vụ  nên đôi lúc chưa đáp  ứng được thời gian phát  bản tin và đa dạng hóa các loại bản tin.

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.

TIN MÔI TRƯỜNG