Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển ở Việt Nam?

(15:42:13 PM 22/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Hiện cả nước có khoảng 7 lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) trên biển, trong đó có các tàu kiểm ngư, tàu cá thuộc ngành thủy sản.

Câu hỏi 85: Năng lực và những khó khăn trong công tác tìm kiếm cứu  nạn, cứu hộ trên biển  ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

 

Máy bay Việt Nam tìm kiếm máy bay Malaisia mất tích - Ảnh: TL

 

Đáp: Hiện cả nước có khoảng 7 lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) trên biển, trong đó có các tàu kiểm ngư, tàu cá thuộc ngành thủy sản. Lực lượng Bộ đội biên phòng địa phương và lực lượng biên phòng cơ động có tàu và ca-nô, nhưng công suất máy của các phương tiện này nhỏ, chỉ 3.000 CV trở lại. Phương tiện chuyên dùng cho hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn trên biển, thềm lục địa và tham gia phối hợp TKCN trên biển khi cần thiết của Cảnh sát biển hiện có gần 20 tàu. Các phương tiện  của  lực  lượng Hải  quân  đóng  vai  trò  chính  trong  hoạt  động TKCN trên biển thời gian qua là các tàu vận tải Hải quân 1.000 tấn trở  xuống. Do  có  nhiều  tính  năng  không  phù  hợp  với  hoạt  động TKCN nên hiệu quả sử dụng của các tàu này thường rất thấp. Ngoài ra,  còn  có Đội  bay  của  Lực  lượng Không  quân,  các  phương  tiện hoạt động  trên biển và  phương  tiện  chuyên dụng  của ngành hàng hải cũng tham gia hoạt động TKCN .

 

Ở nước ta đã có Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu hộ, Cứu nạn và các Trung tâm vùng (ba vùng) ứng cứu sự cố tràn dầu. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có  trách nhiệm phối hợp cùng với Cục Hàng hải Việt Nam và các địa phương ven biển. Nhìn chung năng lực trang thiết bị, cơ chế phối hợp còn yếu, nguồn nhân lực thiếu kỹ năng chuyên nghiệp,... nên hiệu quả chung  thấp, chưa  tương xứng yêu  cầu  nhiệm  vụ.  So  với  các  nước  tiên  tiến  trong  khu  vực  như Nhật Bản, Hàn Quốc,...  thì công  tác này ở nước  ta còn ở mức  rất thấp,  phân  tán. Riêng  nguồn  lực  tham  gia  hoạt  động TKCN  trên biển của ngành hàng hải bao gồm: 

 

1) Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam; 

 

2) Các Cảng vụ Hàng hải;

 

3) Phương tiện không chuyên dụng TKCN;

 

4) Hệ thống Đài thông tin Duyên hải Việt Nam thuộc Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; 

 

5) Hệ thống giám sát thống nhất tàu thuyền và các hoạt động kinh tế khác;

 

6) Vệ tinh, máy bay.

 

Những khó khăn bất cập  trong hoạt động phối hợp phối hợp TKCN  trên  biển Việt Nam  hiện  nay  liên  quan  đến:  nhận  thức  xã hội,  cơ quan đơn vị  có  phương  tiện và người  tham gia hoạt động trên  biển;  văn  bản  quy  phạm  pháp  luật  liên  quan  đến  hoạt  động TKCN  trên biển còn  thiếu, chưa  rõ  ràng; công  tác vận động, giáo dục,  thuyết  phục  còn  thiếu,  yếu,  chưa  thường  xuyên,  sâu  rộng  và hiệu quả; nhận thức của cộng đồng nói chung và của cơ quan, đơn vị, người tham gia hoạt động trên biển nói riêng còn bất cập, thiếu tính  tự giác. Ngoài  ra, còn  tư  tưởng  chủ quan, ỷ  lại  sự hỗ  trợ của Nhà nước trong công tác cứu hộ, cứu nạn nên chưa chủ động, tự lực trong  hoạt  động  (nhất  là  đối  với  phương  tiện  tàu  cá).  Công  tác TKCN  trên biển chưa  thực sự được xã hội hóa nên chưa huy động tối đa nguồn lực của xã hội phục vụ cho hoạt động TKCN trên biển. 

 

Công  tác  quản  lý  nhà  nước  về  an  toàn  hàng  hải  và  TKCN  trên biển còn yếu, thể hiện ở một số mặt: Chưa có cơ quan quản lý nhà nước về công tác TKCN (hiện nay phải do Chính phủ trực tiếp quản lý).

 

Hệ  thống  tổ  chức  TKCN  trên  biển  nước  ta  chưa  thực  sự phù hợp.

 

Trang thiết bị chuyên dụng (thiết bị thông tin liên lạc,...) giữa các lực lượng chưa đồng bộ.

 

Năng lực của đội ngũ nhân viên tổ chức, điều hành hoạt động TKCN trên biển và các lực lượng phối hợp còn hạn chế, chưa được huấn luyện chuyên sâu, bài bản. 

 

Khả năng ngoại ngữ hạn chế nên hợp  tác quốc  tế  trong  lĩnh vực TKCN chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi.  

 

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.

TIN MÔI TRƯỜNG