Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhân ngày Khí tượng thế giới 23/3: Nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn

(15:00:02 PM 21/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Xác định vai trò quan trọng của việc dự báo khí tượng thủy văn đối với hoạt động sản xuất và phòng chống thiên tai, thời gian qua, Trung tâm dự báo khí tượng Hà Nam đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, áp dụng những phương pháp mới nhằm nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ứng dụng mô hình động lực nghiên cứu - dự báo thời tiết MM5, WRF và mô hình thủy văn - thủy lực NAM-MIKE11 trong công tác dự báo thời tiết.

 

Ảnh minh hoạ: IE


 Thành công lớn nhất của việc ứng dụng mô hình trên là thời gian dự báo tăng lên và dự báo được sớm hơn. Cụ thể, dự báo lũ tăng lên 48 giờ (trước đây là 24 giờ), dự báo thời tiết tăng từ 24 giờ lên 72 giờ và có độ tin cậy cao. Trong năm 2013, dự báo của Trung tâm có độ chính xác được nâng lên rõ rệt. Dự báo 24 giờ đảm bảo độ tin cậy đạt tới 88%, dự báo 48-72 giờ đạt 78%; dự báo 10 ngày đạt 88%; dự báo tháng đạt 79%; dự báo vụ đông xuân đạt 87,5%; dự báo mùa mưa bão đạt 93%.

 Riêng về dự báo mưa, Trung tâm không chỉ dự báo theo định tính như trước đây mà còn dự báo được cả định lượng với số liệu tương đối rõ ràng, ví dụ như lượng mưa là bao nhiêu, mưa qua các hình thế thời tiết nào (do áp thấp nhiệt đới hay rãnh áp thấp).

 Ngoài việc tăng thời gian dự báo và dự báo sớm, hiện nay Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Hà Nam còn dự báo được cả thời tiết nguy hiểm và cực đoan như dự báo đột biến về nhiệt độ được khẳng định qua các đợt rét năm 2012, 2013. Riêng đối với các đợt rét đậm mô hình cho dự báo tối đa trước 3 ngày nhưng Trung tâm đã dự báo trước 4- 5 ngày nhờ kết hợp thêm với các mô hình khác và kinh nghiệm trong những năm gần đây.

 Theo ông Hoàng Mạnh Thường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Nam: Tổ hợp ứng dụng mô hình động lực nghiên cứu - dự báo thời tiết MM5, WRF và mô hình thủy văn - thủy lực NAM-MIKE1 đã giúp công tác dự báo thời tiết thủy văn của Hà Nam được nâng cao hơn về chất lượng, nhất là dự báo định lượng các đợt mưa giúp các địa phương chuẩn bị tốt phương án chỉ đạo sản xuất. Phần mềm mới cho phép Trung tâm dự báo được bão xảy ra và diễn biến của bão ảnh hưởng đến Hà Nam . Thậm chí Trung tâm còn đưa được ra dự báo trước Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương. Khi Trung tâm dự báo Trung ương chưa đưa ra được dự báo thì Trung tâm đã nhận định được bão xảy ra và có phân vùng ảnh hưởng là vùng núi hay đồng bằng, đặc biệt là định lượng mưa để giúp các địa phương trong tỉnh xây dựng phương án bảo vệ lúa và hoa màu cũng như có biện pháp phòng chống giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai. Đây chính là bước tiến quan trọng mà rất ít các Trung tâm khí tượng thủy văn trong cả nước làm được.

 Trong thời gian tới, Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Nam sẽ tiếp tập trung vào khâu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ và năng lực công tác của các dự báo viên, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào dự báo thời tiết. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ xây dựng thêm các trạm khí tượng tự động, các trạm đo mưa tự động với khoảng cách 10-15km/trạm và các phương án dự báo hiện đại; xây dựng, thực hiện dự án ứng dụng mô hình dự báo hạn vừa, hạn dài để có công cụ làm dự báo mùa, vụ (dự báo 3÷6 tháng), đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong công tác thông tin tuyên truyền về thời tiết và biến đổi khí hậu.

Hoàng Nam- TTXVN