Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chị Dung cho biết, vì trước đây, cô con gái đầu lòng nhà chị từng mắc quai bị, đi khám bác sĩ dặn chỉ cần nghỉ ngơi, nếu sốt cao thì cho thuốc hạ sốt... nên chị cứ theo cách cũ mà chăm sóc cậu con trai.
Bệnh quai bị hay gặp ở trẻ trong độ tuổi đi học. Ảnh: Hoàng Hà.
Chị còn cẩn thận giã nát đậu xanh, đắp vào hai bên má con cho mát, chóng khỏi bệnh. Thế nhưng được 3-4 ngày, chị thấy con vẫn sốt cao, lại kêu nhức đầu, ói mửa. Lúc đấy, chị mới tá hỏa đưa con đi khám.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp con chị Dung là bị viêm tuyến nước bọt tuyến mang tai (dân gian quen gọi là bệnh quai bị) nhưng đã bị biến chứng viêm não. Vì cháu được đưa đến viện sớm nên tình trạng không nặng, chỉ nằm viện vài ngày là khỏi.
"Bệnh quai bị do virus gây nên, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ từ 3 tuổi trở lên, đặc biệt là trẻ ở tuổi học đường 5-6 tuổi. Hiện vào mùa bệnh quai bị nên số trẻ mắc bệnh này đến khám nhiều hơn bình thường, mỗi ngày khoảng 5-10 trẻ", tiến sĩ Dũng cho biết.
Theo bác sĩ, khi mắc bệnh, ban đầu, trẻ chỉ hơi sốt, sau đó sưng một bên mang tai, một hai hôm sau sưng cả hai bên. Thông thường, trẻ chỉ cảm thấy hơi đau, cũng có trường hợp đau nặng, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp (khoảng một trong 10.000 trường hợp mắc). Đây là bệnh lành tính, thông thường trẻ có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Điều trị chủ yếu là tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau.
Tuy nhiên, bác sĩ Dũng khuyến cáo, có khoảng 1/4 số trẻ mắc quai bị có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, với các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu, ói mửa, cứng cổ... cũng có khi bị co giật nhưng rất hiếm.
Ngoài ra, trẻ gái có thể bị biến chứng viêm buồng trứng (dấu hiệu là thấy tức bụng và đau khi sờ nắn), trẻ trai có thể bị viêm tinh hoàn (tinh hoàn sưng to, đau), dẫn đến vô sinh về sau. Tuy nhiên, biến chứng này khá hiếm và thường không hay xảy ra ở trẻ trước tuổi dậy thì.
Tiến sĩ Dũng cho biết, cha mẹ khi thấy con sưng ở mang tai, sốt nên đưa trẻ đi khám để biết chắc có phải mắc quai bị không. Với trường hợp nhẹ, phụ huynh chỉ cần cho con nghỉ học ở nhà, nghỉ ngơi, ăn uống tốt. Những trường hợp nặng hơn như viêm não, màng não thì phải tiêm đường tĩnh mạch.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý, với những trẻ bị suy giảm miễn dịch như đang dùng corticoid, bị thận hư, khớp... nguy cơ bị biến chứng cao hơn nên bố mẹ cần chú ý theo dõi để đưa con đến viện kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc. Theo ông, không nên bôi hoặc đắp những thứ thuốc dân gian như vôi, trầu nhai... đặc biệt là châm chọc ở tuyến mang tai để tránh tình trạng nhiễm trùng.
"Quai bị là bệnh do virus gây nên và rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt bệnh nhân. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin", bác sĩ Dũng cho hay.