Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nhân Ngày nước thế giới (22/3): Quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng

(15:47:28 PM 19/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam đã có lịch sử từ lâu, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, nơi hàng năm lũ lụt từ sông Hồng và sông Mê Kông thường gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất. Nhờ sự tham gia của cộng đồng, hàng ngàn hệ thống đê đập, hồ chứa nước, kênh mương và giếng làng đã được xây dựng.

Tuy vậy, bản chất của sự tham gia của cộng đồng trong quản lý nước có sự khác biệt tương ứng với điều kiện kinh tế-xã hội, môi trường thể chế chính trị và tổ chức xã hội của đất nước ở từng giai đoạn khác nhau.

Ảnh: IE



* Xu hướng xã hội hóa

Theo kết luận của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo vệ Con người và Thiên nhiên Việt Nam (PanNature), kể từ khi nước ta bắt đầu quá trình chuyển đổi kinh tế (quá trình đổi mới) vào năm 1986, Chính phủ đã liên tục đề cao sự tham gia và đóng góp của cộng đồng và các ngành trong mọi lĩnh vực phát triển của đất nước. Kể cả khai thác, sử dụng, xử lý, cung cấp và bảo vệ nguồn nước. Điều này được biết đến dưới khái niệm “xã hội hóa” như là một phương châm hành động, với khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhưng vấn đề chuyển giao đầy đủ trách nhiệm quản lý nước cho cộng đồng thì vẫn chưa được xem xét thấu đáo.

Quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng được chính thức đề xuất trong Chiến lược Quốc gia về Tài nguyên nước đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 81 ngày 14/4/2006. Chiến lược này nhìn nhận sự tham gia của cộng đồng là một biện pháp chính đảm bảo việc quản lý và sử dụng tài nguyên nước bền vững. Trong đó đã nhấn mạnh về huy động sự tham gia của người dân, nhằm bảo vệ tài nguyên nước, nhất là ở các thành phố lớn, vùng đông dân cư và các vùng đang bị ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng; xây dựng các cơ chế phù hợp huy động khả năng của cộng đồng trở thành những người hỗ trợ chính cho việc giám sát và bảo vệ nguồn nước, ngăn chặn các hành vi tiêu cực làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái; tăng cường sự tham gia của các tổ chức và cá nhân trong quá trình lập kế hoạch, kiểm tra và giám sát việc thực hiện những kế hoạch lưu vực sông và dự án về tài nguyên nước.

Gần đây, Chính phủ đã cho thực hiện một số thay đổi có tính chiến lược để chuyển giao quyền quản lý thủy lợi cho các công ty thủy nông, nhóm những người sử dụng nước ở cơ sở. Vì vậy, nhiều loại thể chế cộng đồng về quản lý và cung cấp nước đã nổi lên. Với xu hướng “xã hội dân sự” đang phát triển, sẽ có nhiều tổ chức cộng đồng hơn ra đời trong tương lai gần, chắc chắn xu hướng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các cộng đồng tham gia vào các hoạt động quản trị xã hội và quản lý tài nguyên. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Chương trình nước sạch, cộng đồng địa phương đã đóng góp tới 44% tổng đầu tư cho Chương trình này.

* Nước là một loại hàng hóa

Sự phát triển của các mô hình tiên tiến về quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng (coi tài nguyên nước là một loại hàng hóa), là quá trình thích nghi đáp ứng với sự thay đổi ngày càng tăng của nền kinh tế, định hướng theo cơ chế thị trường. Trong đó nước là một nguồn tài nguyên có giới hạn, được chấp thuận rộng rãi như là một loại hàng hóa thương mại, phục vụ cho mục đích tưới tiêu thủy lợi, phát điện và cung cấp cho sinh hoạt.

Việt Nam bắt đầu áp dụng phương pháp quản lý thủy lợi có sự tham gia của cộng đồng từ những năm 1990, sau khi Chính phủ chính thức quyết định chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, thông qua chính sách “Khoán 10”. Quản lý thủy lợi có sự tham gia của cộng đồng là phương pháp hiệu quả quản lý tài nguyên nước, bởi cộng đồng cùng hưởng lợi sẽ tham gia với tư cách là người sử dụng nước, người quản lý và bảo vệ nguồn nước, nhất là đối với các hệ thống tưới tiêu quy mô nhỏ. Cụ thể như ở Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định...Về mặt thể chế tổ chức, có 3 mô hình quản lý thủy lợi có sự tham gia của cộng đồng là tổ chức nông dân và nhà nước cùng quản lý; chia sẻ quản lý giữa tổ chức nông dân và một tổ chức có liên quan đến nhà nước; mô hình tổ chức cộng đồng tự quản lý.

Đơn cử như mô hình chia sẻ quản lý giữa tổ chức nông dân và một tổ chức có liên quan đến nhà nước được thực hiện tại xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ở xã này, các đội thủy lợi và tổ chức cộng đồng phối hợp với Hợp tác xã nông-lâm nghiệp để cung cấp dịch vụ thủy lợi cho các hộ gia đình có nhu cầu dùng nước. Hợp tác xã sở hữu và trực tiếp quản lý các công trình thủy lợi tại địa phương, bao gồm các tuyến kênh mương, trạm bơm nước và cung cấp dịch vụ thủy lợi. Hợp tác xã này hoạt động độc lập với công ty thủy nông, thông qua cơ chế tự chủ tài chính. Khoảng 80% phí thủy lợi thu được dùng để duy tu kênh mương nội đồng, 20% còn lại chi phí hành chính của hợp tác xã. Mặc dù hợp tác xã chịu trách nhiệm quản lý chung tất cả các công trình tưới tiêu, nhưng các hộ gia đình sử dụng nước cũng được giao thực hiện các nhiệm vụ quản lý cụ thể. Họ được yêu cầu trông coi và bảo vệ các công trình tưới tiêu nội đồng, dẫn được vào ra theo lịch mùa vụ của địa phương. Cách làm này đảm bảo các công trình được duy tu, sửa chữa kịp thời, tránh lãng phí nguồn nước.

Tuy các mô hình quản lý tài nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng đã chứng minh được những thành công ở cấp cơ sở. Nhưng khả năng mở rộng áp dụng và phát triển ở tầm quốc gia vẫn còn hạn hẹp, do có nhiều rào cản và khó khăn về thể chế, quản lý và kỹ thuật trong khi thực hiện. Về mặt pháp lý, tài nguyên nước ở nước ta hiện do nhà nước sở hữu và quản lý. Nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên nước lại được chỉ định cho tất cả mọi cá nhân và tổ chức. Quyền ra quyết định đối với tài nguyên này ở cấp cơ sở thuộc về các công ty cấp nước, xí nghiệp thủy nông và các ban quản lý rừng đầu nguồn, hồ chứa, đập thủy lợi...

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước, đồng nghĩa với việc tăng cường quá trình phi tập trung hóa (hay phân cấp) quản lý xuống cơ sở. Điều trước tiên là nâng cao nhận thức cho đội ngũ xây dựng chính sách và ra quyết định, lập kế hoạch về tầm quan trọng của quản lý tài nguyên nước dựa vào cộng đồng. Mặt khác khuyến khích chính quyền địa phương hỗ trợ các sáng kiến quản lý tài nguyên nước có sự tham gia của cộng đồng, thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, tư vấn và tham quan học tập các mô hình tiêu biểu...

(TTXVN)