Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng -Ảnh: IE
Hiện nay, trên tuyến bờ biển kể trên đang xảy ra tình trạng sạt lở nhiều nơi với tốc độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng, đe dọa đến an toàn cho tính mạng và tài sản nhân dân cũng như cơ sở hạ tầng ven biển Tiền Giang. Sạt lở còn làm biến đổi cảnh quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường vùng ven biển.
Hiện tượng sạt lở diễn ra hầu như quanh năm, nhưng trầm trọng nhất vào các tháng mùa khô trùng với thời điểm gió chướng đang thổi mạnh. Gió và sóng biển đánh mạnh, đánh liên tục và dữ dội đã khiến tốc độ sạt lở ngày càng tăng, tốc độ biển tấn công vào đất liền ngày một nhanh để lại những hậu quả khó lường. Mới đây, qua khảo sát của Hạt Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão) tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong hơn hai tháng đầu năm 2014, tốc độ sạt lở bờ biển Gò Công (bao gồm cả huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông) của địa phương nhanh bất thường. Nhiều đoạn bị sạt lở trên chiều sâu hàng chục mét, đến tận chân đê biển, đe dọa an toàn đê biển Gò Công. Những nơi sạt lở nặng nhất thuộc địa bàn các xã Tân Điền, Tân Thành (Gò Công Đông), Cồn Cống, Cồn Bà (huyện Tân Phú Đông).
Tại Cồn Cống (Tân Phú Đông), ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng ban Quản lý và Khai thác các Dự án nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết: Từ năm 2013 đến nay, sạt lở làm mất khoảng 7 ha đất đuôi Cồn Cống. Tại Cồn Bà, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết: Sạt lở nặng nhiều đoạn, nhưng trầm trọng nhất ven bờ sông Cửa Đại trên hệ thống sông Tiền. Huyện đang tính đến phương án phải di dời các hộ dân ven sông vào sâu bên trong 50m để bảo đảm an toàn.
Còn ở tuyến đê xung yếu Tân Điền (Gò Công Đông) dài khoảng 5 km, ông Lê Đức Phong - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều (Chi Cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão) tỉnh Tiền Giang cũng cho biết: Do sạt lở nặng trong các tháng mùa khô vừa qua nên sóng biến đã tấn công đến tận chân đê. Để đối phó với tình trạng sạt lở, bảo vệ tuyến đê xung yếu kể trên, Tiền Giang đã phải khẩn cấp tiến hành thi công kè mái đê bằng giải pháp “bê tông tự chèn” trên đoạn đê dài 2 km đang bị sóng biển uy hiếp. Trước đó, tỉnh cũng đã kiên cố hóa 3,5 km đê biển đã bị mất hoàn toàn rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài bằng giải pháp “bê tông tự chèn”.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Tiền Giang, việc kè mái đê bằng phương pháp trên hết sức tốn kém. Ước tính mỗi km đê biển tốn khoảng 30 tỉ đồng. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế. Trong tương lai, việc khắc phục sạt lở, gây bồi, trồng rừng và khôi phục rừng phòng hộ để bảo vệ đê biển Gò Công hết sức cấp thiết đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân.