Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
Dự án Khu kinh tế Muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ được Chính phủ giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (gọi tắt là Công ty Hạ Long) thực hiện trên diện tích hơn 2.500 ha tại địa bàn xã Phước Minh từ năm 2009 đã khiến cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng dự án gặp rất nhiều khó khăn. Vì toàn khu vực bị nhiễm mặn nặng nên người dân không có đất để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các công trình xây dựng, nhà ở của người dân bị hư hỏng nghiêm trọng và có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.
Dùng tay chạm nhẹ lên những vết muối bám trên tường nhà, anh Nguyễn Thành Luân (thôn Quán Thẻ 1) ngao ngán: “Nhà cửa bị mục nát hết cả rồi nhưng gia đình không dám sửa vì nếu sửa mà vẫn cứ ở đây thì cũng sẽ tiếp tục bị muối ăn mòn. Người dân chúng tôi luôn sống trong cảnh lo sợ không biết nhà sẽ sập lúc nào”. Các hộ dân sống xung quanh cũng trong tình trạng tương tự, trời nắng thì hơi muối mặn từ dưới đất xông lên, trời mưa thì nước mặn ngập, cả một vùng rộng lớn nhiễm mặn nặng nề. Sân, vườn cũng trơ trọi vì cây cối đã bị nhiễm mặn chết sạch. Không có đất sản xuất đồng nghĩa với việc rất nhiều người dân ở đây không có việc làm.
Theo ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Minh, tính đến cuối năm 2013, toàn xã đã có 1.067 hộ được hỗ trợ thiệt hại về cây trồng, kiến trúc, đất ở với tổng số tiền trên 45 tỷ đồng. Mặc dù Công ty Hạ Long đã hỗ trợ thiệt hại cho dân, đồng thời thực hiện một số giải pháp để khắc phục việc nhiễm mặn như, nạo vét một số đoạn kênh mương, hạn chế thẩm thấu nước mặn và khơi thông các nơi nước đọng. Nhưng thực tế những giải pháp đó vẫn không thể khắc phục được tình trạng nhiễm mặn và vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải ổn định cuộc sống cho nhân dân. Hiện nay Công ty Hạ Long chỉ có khả năng tiếp nhận 300 lao động địa phương, trong khi đó toàn xã còn đến hơn 900 lao động chưa có công ăn, việc làm.
Để xử lý một số vướng mắc phát sinh tại Dự án Khu kinh tế Muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, ngày 29/8/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Dự án di dân và xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân vùng trũng bị ảnh hưởng do nhiễm mặn muối Quán Thẻ. Theo đó, sẽ tiến hành di dời 200 hộ dân thôn Quán Thẻ 1 bị ảnh hưởng nặng nề nhất đến nơi ở mới tại khu trung tâm hành chính huyện Thuận Nam.
Khu tái định cư được xây dựng trên diện tích 4ha, gồm các hạng mục: 200 căn nhà cấp 4, trường mẫu giáo, trường tiểu học, chợ, nhà văn hóa cộng đồng, đường nội bộ, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước. Dự án do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 189 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015.
Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Việc xây dựng khu tái định cư mới nhằm di dời các hộ dân sống trong vùng trũng, bị ảnh hưởng nhiễm mặn về nơi an toàn, đảm bảo điều kiện môi trường sống và sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt là hạn chế những thiệt hại về tài sản, con người khi các công trình xây dựng bị đổ vỡ do sự ăn mòn của muối. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được thực hiện do khó khăn về vốn.
Được biết, tại cuộc họp ngày 27/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án bố trí vốn ngân sách Trung ương năm 2014 cho tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do nhiễm mặn muối Quán Thẻ. Nhưng do thời điểm này, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 nên Bộ chưa có nguồn nào để cấp cho tỉnh.
Cũng theo ông Hiếu, vấn đề định canh cho người dân vùng nhiễm mặn cũng gặp nhiều khó khăn. Để người dân có đất sản xuất khi về nơi ở mới, Chi cục Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát tại khu vực hồ Sông Biêu (thuộc địa phận xã Phước Hà, huyện Thuận Nam). Qua khảo sát cho thấy, khu vực này có đất đai tốt, gần nguồn nước nên thuận lợi để người dân phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, do khu vực này quá xa so với nơi tái định cư nên người dân không đồng tình. Trước tình hình đó, Chi cục đã có hướng đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao 422 ha đất làm muối của Công ty Hạ Long cho người dân sản xuất. “Mặc dù số diện tích này nằm trong quy hoạch sản xuất muối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng nếu Bộ đồng ý giao cho 200 hộ dân này sản xuất muối để làm vệ tinh cho Công ty Hạ Long thì sẽ góp phần đảm bảo được cuộc sống cho người dân”, ông Hiếu nói.
Như vậy, sau hơn 1 năm phê duyệt, Dự án di dân tái định cư vẫn chưa có lối thoát, trong khi đó hàng trăm người dân hàng ngày vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do hậu quả của việc sản xuất muối. Mong rằng những vướng mắc này sớm được tháo gỡ để dự án nhanh chóng được thực hiện, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân.