Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phong thuỷ: Lý giải địa thế Hồ Con Rùa - chứng nhân của lịch sử

(20:19:45 PM 13/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Hồ Con Rùa không phải là hồ tự nhiên, và giờ cũng không thấy con rùa nào. Tuy nhiên, Hồ Con Rùa lại có lịch sử hình thành và gắn liền với sự thịnh suy của các "triều đại" cũ trên đất Sài thành.



Hồ Con Rùa nhìn từ trên cao - Ảnh Google map



Trước 1836: là cổng thành

 

Trước năm 1790, vị trí này là cổng thành Bát Quái (tiền thân của thành Gia Định) do Gia Long xây dựng. Sau năm 1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt chiếm thành, chống lại triều đình. Đến năm 1836, quân triều đình lấy lại thành và phá bỏ để xây thành mới là Gia Định. Lúc này, cổng thành Bát Quái cũ trở thành nằm bên ngoài thành, trên đường xuống bến sông.

 

Thời Pháp: là tháp nước


Người Pháp chiếm được thành Gia Định, san phẳng vào năm 1859 và tiến hành quy hoạch lại Thành phố. Vị trí Hồ Con Rùa hiện nay nằm ngay cuối con đường dẫn ra bến sông được đánh số 16. Trên con đường này, dinh Thống đốc đầu tiên được xây dựng. Năm1865, Thống đốc Nam Kỳ đặt tên con đường số 16 là đường Catinat. Một tháp nước cũng được xây dựng ở vị trí Hồ Con Rùa để cung cấp nước cho dân cư.

Đến năm 1921 thì tháp nước bị phá bỏ do không đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển.

Sau 1921: là giao lộ


1921, con đường Catinat được mở rộng nối dài đến đường Mayer (đường Võ Thị Sáu). Từ đó vị trí này trở thành giao lộ như ngày nay, với tên gọi là Công trường Maréchal Joffre. Cắt giao lộ là đường Testard (Võ Văn Tần, Q.3 bây giờ) và đường Larclauze (Trần Cao Vân, Q.1).


Tại vị trí này, người Pháp đã cho xây dựng một tượng đài ba binh sĩ Pháp, người dân ở đây thường gọi là Công trường ba hình. Đến năm 1956 thì bị người Việt phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ trong quần thể tượng đài và được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.

 


Hồ Con Rùa năm 1947 - Ảnh: Internet


Tổng thống Thiệu: xây Hồ Con Rùa để "ghìm" đuôi Rồng

Sự kiện xây Hồ Con Rùa lại gắn liền với một công trình quan trọng khác của chế độ Việt Nam Cộng hòa: Dinh Độc Lập.


Ngô Đình Diệm đang xây Dinh Độc Lập thì bị ám sát năm 1963. Theo thuật phong thủy, vị trí xây dựng của Dinh Độc Lập nằm trên đầu của Long mạch, nên nơi đây còn có tên gọi khác là Phủ Đầu Rồng. Vị trí đuôi rồng thì nằm ở khu vực Hồ Con Rùa.


Rút kinh nghiệm từ kết quả thảm khốc của Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu đã cho mời thầy phong thủy về nghiên cứu kỹ lại Long mạch. Long mạch này có thế của một con rồng đang nằm ngủ. Đuôi rồng nằm cách đó gần 1km, rơi vào vị trí Công trường Chiến Sĩ. Mỗi khi rồng thức dậy, sẽ quẫy đuôi, và những gì xây dựng trên Long mạch này sẽ sụp đổ.

Vì lý do đó, Nguyễn Văn Thiệu đã cho xây dựng Hồ Con Rùa ở vị trí đuôi rồng với hy vọng con rùa nặng nề là một trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) có khả năng trấn giữ đuôi rồng, không cho rồng vùng vẫy khi thức dậy!

Kiến trúc Hồ Con Rùa có 5 cột trụ tụ lại thành hình cái tháp, khu trung tâm là một con rùa bằng kim loại, trên lưng có đội 1 bia đá. Hình dáng tháp cao này giống như hình một thanh gươm (hoặc cây đinh), đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng.

Dù "trấn yểm" kỹ càng như vậy, nhưng năm 1975, Việt Nam Cộng hòa vẫn sụp đổ. Năm 1978, một nhóm người đã đặt bom phá hủy con rùa với ý đồ phá hoại Long mạch. Họ bị bắt giữ, nhưng con rùa kim loại cũng đã bị phá hủy.

Vụ án này đã được dựng thành phim Vụ án Hồ Con Rùa do nhà báo công an Huỳnh Bá Thành chấp bút, NSND Trần Phương đạo diễn.

Hình tháp như một cái ghim "đóng' vào đuôi con Rồng.

 

Tuy nhiên, dù mất con rùa, thì "Hồ Con Rùa" vẫn còn đó, nằm giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ như một chứng nhân của lịch sử.

( Nguồn: Lý học Phương Đông)