Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giờ Trái Đất đang trở thành “Giờ trái đất ốm”? Tin mới nhất

(15:24:55 PM 13/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Ý tưởng được đề xuất có vẻ hay, nhưng thực chất các tổ chức đang góp phần biến “Giờ Trái đất” thành “Giờ Trái đất ốm” vì cứ nghĩ rằng tắt điện rồi hô hào cho mọi người ra đường thắp nến vô tình lại làm sưởi ấm Trái Đất.


Các tổ chức đang góp phần biến “Giờ Trái đất” thành “Giờ Trái đất ốm” vì cứ nghĩ rằng tắt điện rồi hô hào cho mọi người ra đường thắp nến vô tình lại làm sưởi ấm Trái Đất.- Ảnh minh hoạ TL



Rục rịch chuẩn bị cho giờ G

Sự kiện Giờ Trái Đất 2014 diễn ra vào cuối tháng 3 đã bắt đầu có những hoạt động rục rịch chuẩn bị trong cộng đồng Facebook, hứa hẹn Việt Nam vẫn sẽ tham gia tích cực vào phong trào vì môi trường toàn cầu này.

Theo kế hoạch, Giờ Trái Đất năm nay sẽ được tiến hành từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ Bảy, 29/3, với lời kêu gọi mỗi người tắt một nguồn sáng không thực sự cần thiết trong một tiếng đồng hồ như thông lệ hàng năm.

Ngay từ lúc này, cư dân mạng Việt Nam đã bắt đầu kêu gọi nhau tham gia nhiều chương trình tập thể hưởng ứng Giờ Trái Đất. Fanpage chính thức của Giờ Trái Đất Việt Nam 2014 thậm chí đã có danh sách các bạn trúng tuyển làm tình nguyện viên vị trí truyền thông. Những ai đã đăng ký mà không có tên thì kêu than ngất trời: “Chán, không có tên. Buồn hiu hiu” - nick Trái Tim Yêu Thương than vãn.

Những hoạt động của giới trẻ chào đón Giờ Trái Đất thì muôn hình muôn vẻ, từ thi hát qua video clip YouTube cho đến nhập hội tập nhảy flash mob, và diễn ra ở khắp  mọi miền đất nước, từ Hà Nội tới TP.HCM, từ Thái Nguyên đến Đà Nẵng.

Vì không khí chuẩn bị sôi nổi rộng khắp như vậy nên có cảm giác dù ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam, ta vẫn có thể tham gia Giờ Trái Đất. Đối với mỗi bạn trẻ, đó sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên, giống như bạn Lương Duy Quốc Thích nhớ lại: “Chiều nay đi học về thấy mấy bạn Giờ Trái Đất 2014 đi làm gì đó, làm nhớ lại thời cách đây 1 năm, cũng ngang dọc vài nơi, đội 5 người mà mỗi lần đi chừng 2-3 người tác nghiệp. Dù thành quả nhiều phần không như mong đợi nhưng nghĩ lại thấy cũng vui, quen thêm được nhiều bạn mới”.

Đôi khi cũng có ý kiến trái chiều cho rằng Giờ Trái Đất bản thân nó lại là một sự kiện phô trương và tiêu tốn nguồn năng lượng thế giới. Tuy nhiên fanpage của Giờ Trái Đất đã giải thích: “Giờ Trái Đất không bao giờ chỉ là sự kiện tiết kiệm điện trong vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ, bất kỳ ai cũng có thể làm ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, nhưng chúng tôi đang cố tổ chức một ngày hội  rộng khắp toàn cầu để giới truyền thông và dư luận chú ý hơn”.

Ăn theo

Những năm đầu của Giờ Trái Đất, nhiều đơn vị tổ chức đã kêu gọi người dân tắt hết thiết bị điện, ra đường thắp nến nhằm “gắn kết triệu trái tim trong công cuộc bảo vệ mẹ Trái đất”. Tuy ý tưởng được đề xuất có vẻ hay, nhưng thực chất các tổ chức ấy đang góp phần biến “Giờ Trái đất” thành “Giờ Trái đất ốm”.

Các bạn tắt đèn nhưng lại thắp nến – một sản phẩm làm tăng lượng CO2 còn cao hơn điện gấp trăm lần, có giá thành (so với “…đốt” bóng đèn điện trong một giờ) cao hơn chục lần. Đồng thời, lại thắp nhiều (mỗi nơi cũng phải vài trăm cây nến để tăng phần “rực rỡ” còn…chụp ảnh cho đẹp). Vô hình chung, nhiều nơi chỉ coi Giờ Trái Đất như một cuộc vui, nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình “Cao tay” hơn là những hoạt động ăn theo Giờ Trái Đất.

Những người mẫu, ca sĩ được dịp để “thể hiện tình yêu với môi trường” – thứ mà trước đây có lẽ họ chưa từng nhắc đến. Các đài truyền hình, công ty tổ chức nên những sự kiện tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để quảng cáo rầm rộ, thanh niên ra đường hưởng ứng Giờ Trái Đất, cũng vô tình khiến đường phố “ngập lụt”, lượng rác thải xả ra nhiều hơn (trong đó bao gồm cả túi ni lông – thứ vô cùng “độc hại” với môi trường). Đồng thời, khói xe tăng cao, một lượng xăng dầu rất lớn bị tiêu thụ, điện có thể tắt một nhưng hóa ra ô nhiễm môi trường lại tăng đến mười phần.

Thông qua những ví dụ trên, chỉ xin nhấn mạnh hai điểm mà Giờ Trái Đất, cũng như những nhà tổ chức vẫn còn thiếu sót. Đó là Giờ Trái Đất chỉ khuyến cáo “tắt những thiết bị điện không cần thiết trong một giờ”. Tuy nhiên, đối với những thiết bị điện sống còn như nguồn điện của tủ lạnh, máy sưởi, máy giặt, điện thoại… là những đồ dùng không thể cắt bỏ và cũng là thứ tốn nhiều điện năng nhất mới chính là “thủ phạm”.

Theo thống kê của tạp chí Slate (Mỹ), ngay cả khi mọi gia đình đều tắt toàn bộ bóng điện trong một giờ và lượng điện tiết kiệm được quy ra lượng phát thải CO2 thì lượng khí thải đó cũng chỉ tương đương lượng phát thải CO2 của Trung Quốc trong chưa đầy 4 phút.

Trong khi ở Anh, việc cắt giảm một lượng tiêu thụ điện nhỏ trong một giờ không làm giảm lượng điện mà cơ quan này phải truyền vào khi chuẩn bị khởi động hệ thống. Người ta lại phải sử dụng lượng than hoặc khí nhiều hơn để phục hồi hệ thống cung cấp điện trở lại bình thường sau Giờ Trái Đất.

Tác giả George Marshal, người sáng lập “Mạng lưới tiếp cận thông tin khí hậu” đồng thời là tác giả cuốn Carbon Detox đã phát biểu trên tờ The Guardian rằng: “Trong suốt 25 năm hoạt động môi trường, tôi từng chứng kiến nhiều phong trào đầy hứng khởi và những thứ thiếu chiều sâu, hay thậm chỉ vô nghĩa. Nhưng với Giờ Trái đất của WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) thì phải nói đây là một trong những chiến dịch lệch lạc và phản tác dụng nhất mà tôi từng thấy”.

Biện giải chính mà tác giả này đưa ra là Giờ Trái đất sẽ chẳng giúp cắt giảm chút khí thải nào vì các công ty năng lượng luôn để dành một phần công suất và các tuốc-bin vẫn luôn chạy trong suốt thời gian nhu cầu điện tụt giảm đột ngột để chuẩn bị khi mọi người bật đèn lên lại”.

Vậy nên, dù mang tính nhân văn cao, có vẻ như Giờ Trái Đất lại không thực sự hiệu quả, nhất là khi người dân không ý thức được việc tiết kiệm điện trong suốt những giờ còn lại của năm.”

MAI ANH - MTX (tổng hợp)