Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đập thủy điện Sông Tranh 2: Trang bị hệ thống con lắc quan trắc

(11:58:35 AM 10/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Chi phí trang bị hệ thống con lắc để quan trắc sự chuyển vị của thân đập khoảng 5 tỉ đồng

Anh IE

 

Theo ông Vũ Đức Toàn - Trưởng Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam - đơn vị này hiện đang xúc tiến lắp đặt hệ thống con lắc tại đập chính thủy điện Sông Tranh 2 để quan trắc sự chuyển vị của thân đập.

 

Quy trình kỹ thuật lắp đặt là khoan một lỗ sâu từ đỉnh đập xuống đáy để đặt con lắc vào bên trong rồi trang bị, kết nối các máy móc chuyên dụng để theo dõi.

 

Theo một cán bộ Đoàn Địa chất Đắk Lắk  (thuộc Liên đoàn Điều tra tài nguyên nước, đơn vị được chủ đầu tư thuê để khoan lỗ tại đập chính thủy điện Sông Tranh 2), cách khoan là dùng máy khoan thủy lực công suất lớn, khoan lỗ vào khối bê-tông giữa đập chính (trước nhà điều hành đập) với độ sâu trên 100 m, từ đỉnh xuống tầng hầm số 3 trong thân đập. Tính đến ngày 9-3, đơn vị này đã tiến hành khoan được 18 ngày.

 

Ông Vũ Đức Toàn cho biết việc lắp đặt hệ thống con lắc là theo tư vấn của Công ty Colenco (Thụy Sĩ), đơn vị tư vấn độc lập đánh giá chất lượng đập thủy điện Sông Tranh 2.

 

Theo kinh nghiệm của Công ty Colenco, hầu hết các đập lớn ở châu Âu và trên thế giới đều được trang bị hệ thống con lắc để quan trắc sự chuyển vị của thân đập. Tuy nhiên, trong thiết kế trước đây, đập thủy điện Sông Tranh 2 không có hệ thống này nên nay phải trang bị bổ sung.

 

Ngoài việc khoan lỗ do đơn vị trong nước đảm nhận, các thiết bị con lắc cùng những máy móc kết nối để vận hành, theo dõi đều phải nhập từ châu Âu. Chi phí trang bị hệ thống con lắc này khoảng 5 tỉ đồng...

 

Như Báo Người Lao Động từng phản ánh, sau khi đưa vào vận hành chưa được bao lâu, năm 2012, đập thủy điện Sông Tranh 2 đã xảy ra tình trạng thấm nước với lưu lượng lớn. Động đất dồn dập ở khu vực này rất dễ ảnh hưởng đến kết cấu cũng như sự dịch chuyển thân đập nên việc lắp đặt hệ thống con lắc là rất cần thiết.

 

Sau một thời gian hiện tượng động đất tương đối tạm lắng và chủ đầu tư đã khắc phục xong sự cố thấm nước, hiện Chính phủ đã cho phép thủy điện này tích nước trở lại đến cao trình 166 m để tiếp tục theo dõi.

 

Theo các chuyên gia, việc tích nước trở lại cần được theo dõi cẩn trọng và đưa ra những nhận định chính xác về mức độ an toàn cũng như chất lượng công trình đập. Do vậy, chủ đầu tư đang xúc tiến thi công khẩn trương và dự kiến sẽ hoàn thành hệ thống con lắc nêu trên để đưa vào sử dụng trong tháng 6-2014. 

T.H (Theo NLĐ, TMT)