Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa IE
Do vậy, nếu chần chừ thì nước biển ngập mặn tràn sâu vào đất liền, đất đai sản xuất ngày càng thu hẹp, đời sống sinh hoạt của người dân càng thêm khó khăn. Không thể để tình trạng có tỉnh một năm mất hàng trăm hécta đất đai. Xây dựng tuyến đê biển là nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống biến đổi khí hậu. Dứt khoát phải bảo vệ các khu vực xung yếu đông dân cư. Phải làm khẩn trương với tinh thần quyết liệt, làm sao các công trình đạt hiệu quả cao, chi phí hợp lý trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế...
Qua khảo sát cho thấy, thực tế nhiều đoạn đê có rừng chắn thì đất bồi thêm. Tại thị xã Vĩnh Châu, toàn tuyến đê biển của thị xã dài 51 km, là tuyến đê xung yếu. Những năm qua, tuyến đê biển Vĩnh Châu được quan tâm đầu tư gia cố, bảo vệ và được địa phương tích cực vận động nhân dân trồng rừng phòng hộ ngoài đê, nhằm tạo lá chắn bảo vệ cuộc sống và sản xuất của nhân dân phía trong đê trước triều cường, mưa bão. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy đã gây ra hiện tượng nước biển xâm thực mạnh một số đoạn đê. Tại đoạn đê biển khu vực xã Vĩnh Hải, trước đây, địa phương đã vận động nhân dân trồng rừng phòng hộ từ chân đê ra phía biển trên 500 mét để tạo lá chắn, nhưng mấy năm gần đây bị nước xâm thực nặng đã làm vỡ đê, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Điều khó khăn là tình trạng triều cường, sóng lớn đã cuốn trôi hệ thống cây rừng phòng hộ ngoài đê mà địa phương cùng nhân dân đã tích cực gieo trồng để tạo lá chắn. Còn tại đoạn đê biển bị xâm thực thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu, tình trạng biển tiến cũng ngày càng nhanh, ngoài việc tìm kiếm mô hình đê kè chắn sóng hiệu quả, công nghệ thi công phù hợp, thì việc trồng rừng, bảo vệ rừng vẫn luôn có ý nghĩa quan trọng.
Trước tình trạng biển xâm thực ngày càng mạnh, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh thực hiện dự án xây dựng và gia cố các đoạn đê bao ven biển Vĩnh Châu để hạn chế thiệt hại và xâm thực của biển trước mùa mưa bão sắp đến.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu có trên 50 km bờ biển đang chịu tác động lớn của biển, trong đó có 7 điểm xói lở nghiêm trọng vào chân đê chắn sóng với tổng chiều dài trên 5 km. Nhiều đoạn đê đã bị xói lở ăn sâu vào trong và có nguy cơ bị vỡ, tràn cao mỗi khi triều cường, sóng lớn.
Để hạn chế tình trạng xói lở, tỉnh đang thực hiện một số dự án làm bờ kè đá ở các đoạn bị xói lở nghiệm trọng. Đến nay, các đoạn bờ kè đang được làm khẩn trương. Ảnh hưởng nặng nhất là đoạn bờ biển thuộc ấp Huỳnh Kỳ xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu với chiều dài bị biển xâm thực khoảng 500 mét. Đoạn này đang được xây dựng bờ kè đá chắn sóng với quy mô chắc chắn, có thể ngăn được triều cường sóng thần bảo vệ dân cư trong vùng đê xung yếu.
Bên cạnh đó, từ dự án đồng quản lý ven biển và dự án bảo vệ những vùng đất ngập nước ven biển do tổ chức GIZ (Đức) tài trợ, một số đoạn nước biển xâm thực nặng tại vùng ven biển Vĩnh Châu đã được làm các rào tre chắn sóng, bước đầu đã giữ phù sa bồi tụ, hạn chế sóng biển khá tốt. Theo chỉ đạo của Chủ tịch nước, tới đây, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các địa phương ven biển huy động mọi nguồn lực, nguồn tài trợ để tập trung đầu tư trồng rừng, gia cố đê kè và phát huy các mô hình hạn chế tác hại của biển xâm thực, đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ngày càng khốc liệt..