Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sẽ đề xuất lên các cấp, các ngành liên quan về việc xây dựng hệ thống giám sát mực nước ở các công trình thủy điện.
Sẽ đề xuất xây dựng hệ thống giám sát thủy điện
Hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu của các công trình thủy điện.
Theo ông Bảy, đề xuất này là một phần nằm trong danh mục Đề án kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020 được Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu nhằm bảo đảm quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Cụ thể, đề xuất xây dựng thí điểm công trình điều tiết dòng chảy ở hạ du một số lưu vực sông quan trọng thường xuyên bị thiếu nước, khan hiếm nước về mùa cạn nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết của các hồ chứa trong mùa cạn, tránh lãng phí, thất thoát nước ngọt ra biển;
Đề xuất này được đưa ra sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả thanh tra thủy điện vừa và nhỏ cho thấy, 100% các công trình chưa đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu hoặc duy trì dòng chảy tối thiểu nhưng chưa đạt theo quy định.
'Không để làm gì'
Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng cho biết, xây dựng hệ thống giám sát mực nước thủy điện là một biện pháp công khai minh bạch theo nguyên tắc vận hành, quản lý thủy điện.
Đồng thời, nó là cơ sở dữ liệu để điều chỉnh, quản lý quy trình vận hành liên hồ quản lý được tốt hơn. Đây là vấn đề bắt buộc, trước sau cũng phải có.
Theo ông Thắng, hệ thống này nhằm giám sát mực nước tại các hồ chứa thủy điện, thông qua đó các Ban phòng chống lụt bão của địa phương có thể nắm được để đưa ra những cảnh báo cho khu vực hạ du vào những mùa xã lũ hoặc cảnh báo khi vào mùa cạn kiệt.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải có được một quy trình vận hành hồ chứa tối ưu nhất. Quy trình vận hành phải theo đúng tinh thần nước mùa lũ phải điều tiết giảm lũ, chỉ giữ mực nước ở mức độ nào phù hợp phục vụ cho sản xuất. Mùa kiệt phải trả lại nước cho vùng hạ lưu.
Đây cũng là vấn đề khiến ĐN đã có ý kiến qua lại với Bộ TNMT. Và theo khẳng định, nếu Bộ TNMT không sửa Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 thì Đà Nẵng sẽ kiện.
Bởi trên thực tế các thủy điện đang làm ngược lại quy trình, "mùa lũ xả lũ, mùa kiệt lấy nước". Vậy nhưng, hệ thống giám sát này lại chỉ có nhiệm vụ giám sát xem quy trình đó thực hiện có đúng hay không chứ không có tác động thay đổi được quy trình vận hành liên hồ.
Trong khi đó, chính quy trình điều hành thủy điện mới đang gây tranh cãi, bức xúc trong người dân.
"Phải có quy trình chuẩn thì mới hệ thống giám sát mới chuẩn. Hệ thống giám sát không làm thay quy trình, không thể cắt được lũ trong mùa lũ, trả lại nước trong mùa kiệt. Nếu không có quy trình chuẩn, đồng nghĩa với việc hệ thống giám sát này không thể làm được gì, không có tác dụng gì", ông Thắng nói.
Nói dễ, làm khó
Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ, nhận định "xây hệ thống giám sát mực nước ở các thủy điện là ý tưởng rất tốt nhưng thực hiện được nó không hề đơn giản".
Trong Luật Tài nguyên nước, có quy định khi xây dựng các công trình bất kỳ phục vụ mục đích gì cũng phải đảm bảo trả về lượng nước tối thiểu cho các dòng sông để bảo tồn sự sống của dòng sông như bình thường hoặc tốt hơn bình thường.
Ví dụ, khi vận hành thủy điện đã có quy định xả dòng chảy tối thiểu. Nhưng hiện nay, họ có xả không, xả thế nào lại chưa có được cơ sở, thông số để xác định. Ví dụ họ nói xả nhưng không xả cũng không có căn cứ để kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, con số xả ra không công khai, không thể đánh giá có chính xác hay không. Nếu có hệ thông giám sát thì rất tốt, hệ thống giám sát sẽ thay lời báo cáo.
Tuy nhiên, TS Đào Trọng Tứ cho hay câu chuyện dòng chảy tối thiểu không đơn giản chỉ là đưa ra một con số, nó phải phụ thuộc vào từng dòng sông, phải có sự xem xét, tính toán thống nhất.
Ví dụ, một thông số đưa ra 10 năm trước phải khác 10 năm sau. Nó phải thay đổi theo thời gian, mùa vụ, khu vực, địa điểm... chứ không phải là cố định, không thể áp dụng một con số chung cho tất cả. Nếu không sẽ xảy ra những câu chuyện tương tự Đà Nẵng vừa qua.