Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển?

(18:25:51 PM 06/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các quan điểm cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế biển nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển

Câu hỏi 79: Những  nhiệm  vụ  và  giải  pháp  mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển?

 

Ảnh tư liệu

 

Đáp: Xuất phát từ việc phân tích tiềm năng, lợi thế, các bài học thành  công  và  những  thách  thức  đối  với  phát  triển  kinh  tế  biển trong  bối  cảnh  hội  nhập  kinh  tế  quốc  tế  và  trong  bối  cảnh  tranh chấp phức tạp trên Biển Đông, Đảng  và Nhà nước  ta đã đưa ra các quan điểm cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế biển nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa  nước ta trở  thành quốc  gia mạnh về biển, làm  giàu từ biển. Đó là: (1)  Phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển  toàn  diện  các  ngành,  nghề  biển  với  cơ  cấu  phong  phú,  hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn; (2) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo  đảm  quốc  phòng,  an  ninh,  hợp  tác  quốc  tế  và  bảo  vệ  môi trường,  kết  hợp  chặt  chẽ  giữa  phát  triển  vùng  biển,  ven  biển,  hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (3) Thu hút mọi nguồn lực để phát triển  kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa; phát  huy  nội  lực,  thu  hút  mạnh  ngoại  lực  theo  nguyên  tắc  bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

 

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã định hướng triển khai các nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là hình  thành  một  số  lĩnh  vực  kinh  tế  mạnh  gắn  với  xây  dựng  các   trung tâm kinh tế hướng biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển  của đất nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từng bước nâng cao  đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển; phát triển kinh tế biển gắn với quản lý và bảo vệ  biển,  đảo.  Nhiệm  vụ  trước  mắt  đến  năm  2020,  tiếp  tục  phát  triển thành  công,  có  bước  đột  phá  đối  với  các  ngành  kinh  tế  biển,  ven biển,  như:  Khai  thác  và  chế  biến  dầu  khí,  kinh  tế  hàng  hải,  khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn  với phát triển các khu đô thị ven biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn cho những người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai; xây dựng các cơ sở bảo vệ môi trường biển.

 

Các  giải  pháp  chung  cần  phải  thực  hiện,  trước  tiên  là  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các  cấp,  các ngành và  các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Ý thức và nhận thức về biển phải được thể hiện rõ và đầy đủ trong chính sách phát triển của các ngành có liên quan và các địa phương có biển.

 

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển hợp lý gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường hiện diện dân sự trên các vùng biển, đảo của tổ quốc  gắn  với  tổ  chức  dân  cư,  tổ  chức  sản  xuất  và  khai  thác  biển cùng với ban hành các chính sách đặc biệt để khuyến khích nhân dân định cư ổn định trên đảo và làm ăn dài ngày trên biển.  Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học -  công nghệ biển mạnh và hiện đại gắn với việc xây dựng và quản lý tốt cơ sở dữ  liệu  biển  quốc  gia  phục  vụ  việc  hoạch  định  chính  sách,  quy hoạch khai thác, sử dụng biển, đảo; tăng cường năng lực giám sát, quan  trắc,  giảm  thiểu  và  xử  lý  các  thảm  họa  thiên  tai,  sự  cố  môi trường biển, ven biển và hải đảo.

 

Triển khai quy hoạch khai thác, sử dụng biển và hải đảo ở các cấp độ khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ  sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế -  xã  hội  của  các  ngành,  địa  phương  nhằm  tiến  tới  chấm  dứt  việc  khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy  hoạch, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng. Quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả về biển và hải đảo. Trước hết cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, quản lý khai thác sử dụng các vùng biển, ven biển và hải đảo. Ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo cho phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, sớm thể chế hóa phương thức quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo, làm cơ sở cho việc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển và hải đảo, gắn với tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý  nhà nước về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương cả về số lượng và chất lượng.Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ công nghệ tiên tiến,  thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học  -  công nghệ biển, cho khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, quản lý và bảo vệ môi trường biển. Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế biển và sản phẩm biển của Việt Nam trên trường quốc tế. Bảo đảm chất lượng môi trường biển cho phát triển bền vững kinh tế  -  xã hội biển thông qua tăng cường kiểm soát môi trường biển;  quản  lý  và  xử  lý  hiệu  quả  các  chất  thải,  chất  gây  ô  nhiễm trước  khi  đổ  ra  biển  từ  các  lưu  vực  sông  ven  biển  và  từ  các  hoạt động kinh tế biển. Phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc; ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các Hệ sinh thái  đã bị mất, đã bị suy thoái; triển khai Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.

 

Chủ  động  phòng  ngừa  và  thực  thi  các  biện  pháp  thích  ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và  hải đảo.  Khuyến khích sự chủ động tham gia của cộng  đồng địa phương vào tiến trình nói trên và cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển, hải đảo trước các tác động của biến đổi khí hậu.

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.

TIN MÔI TRƯỜNG