Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảng Ngãi: Cần sớm xử lý "4 không" tại Khu tái định cư thủy điện Hà Nang

(14:07:23 PM 06/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Sau gần 6 năm di dời, vậy mà hiện 105 hộ đồng bào dân tộc Kor với hơn 500 nhân khẩu vẫn chưa thể thích nghi với nơi ở mới tại Khu tái định cư hồ thủy điện Hà Nang, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Khu tái định cư- Ảnh minh họa IE

 

Đời sống dân trí, dân sinh của đồng bào nơi đây còn rất thiếu thốn, lạc hậu bởi người dân phải sống trong điều kiện rất đắng lòng với khu tái định cư "4 không" (không đất sản xuất, không điện, không nước, không trường học). Các điều kiện phục vụ đời sống dân sinh này tại khu tái định cư đến nay nhà đầu tư và chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện được. 


Tháng 8/2008, huyện Trà Bồng phải di dời khẩn cấp 105 hộ đồng bào dân tộc Kor sống dọc hồ Hà Nang đến khu tái định cư mới để phục vụ cho việc xây dựng đập thủy điện Hà Nang với tổng kinh phí đền bù hơn 10 tỷ đồng. Theo đó, công ty CP đầu tư xây dựng Thiên Tân đã quy hoạch đất ở và xây nhà cho đồng bào dân tộc Kor tại 2 thôn là thôn 1 và thôn 4, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng. Những tưởng tháng ngày gian khó đã qua, với hi vọng đổi đời, người dân bản địa đã dắt díu nhau về sống tập trung tại nơi ở mới. Vui niềm vui chưa được bao lâu, bà con lại phải ngày ngày nơm nớp nỗi lo đói ăn, thiếu uống; buồn vì con cái không có chỗ học hành và nhà không có điện để thắp sáng.

Đã gần 6 năm kể từ ngày di dời về nơi ở mới, 105 hộ dân vẫn chưa được cấp đất để sản xuất. Trước tình cảnh đó, nhiều người đã bất chấp luật lệ đã vào rừng triệt gỗ để lấy đất trồng keo, trồng lúa. Anh Hồ Tuấn Anh ở tổ 1, thôn 1, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng cho biết: “ Mình phải thuê nhà của bà con dưới xã cho con cái ở lại theo học cái chữ chứ trên này làm gì có trường mà học. Nhà mình nghèo lắm, không có đất để sản xuất đành phá rừng để trồng keo, trồng lúa kiếm cái ăn”. 

Anh Hồ Văn Hiền, tổ trưởng tổ 1, thôn 1, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng bức xúc: “Hệ thống bể chứa, ống dẫn đã triển khai xây dựng từ tháng 8/2013; bên thi công cũng hứa tới cuối năm 2013 sẽ đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa có nước. Trường học xây xong bỏ hoang vì thiếu thốn cơ sở vật chất, phải tận dụng làm hội trường. Mấy năm liền chong đèn chứ lấy đâu ra điện để thắp; họ lắp đặt 1 tấm pin năng lượng nhưng điện yếu lắm chỉ để thắp sáng hội trường thôi, tới mùa mưa lại không dùng được. Không những thế, mỗi khi có người đau ốm, thôn phải cử thanh niên thay phiên khiêng bộ hơn 20km mới đến điểm khám, chữa bệnh, rất vất vả. Do đường sá xa xôi, hiểm trở nhiều trường hợp chết giữa đường lại khiêng ngược trở về chôn cất. Nói chung cuộc sống bất tiện hơn nhiều so với trước đây. Mình làm tổ trưởng mà tự thấy xấu hổ lắm vì không giúp được gì cho bà con”. 

Để có điện, nước người dân trong thôn đã hùn vốn lại với nhau cả chục triệu đồng về dưới xuôi mua tuabin điện công suất nhỏ và hàng trăm mét dây điện, ống dẫn nước về tự lắp lấy, sử dụng chung. Đến mùa khô, suối cạn trơ đáy, tình trạng thiếu điện, nước lại tái diễn. Nhiều người chịu không nổi hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn tại khu tái định cư này đã bỏ xứ vào Nam làm thuê, làm mướn. 

Theo phản ánh của người dân, nhà ở khu tái định cư hồ thủy điện Hà Nang mới xây nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa nước dội xối xả tứ phía, chủ hộ phải dùng 2-3 lớp bạt để che chắn tạm; có hộ phải thức trắng đêm vì nước dội ngay vào giường ngủ. 

Ông Hồ Văn Vàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng cho biết: “ Xã đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng hệ thống dẫn nước cho 34 hộ dân ở tổ 1, thôn 1, xã Trà Thủy. Nhưng do phía công ty Trách nhiệm hữu hạn Thái Nguyên thi công quá chậm nên đến giờ này vẫn chưa có nước phục vụ nhu cầu của người dân. Lãnh đạo xã đã trực tiếp hối thúc nhưng họ vẫn không chịu đẩy nhanh tiến độ. Còn về việc cấp đất sản xuất cho người dân, xã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn không cấp được đất cho dân. Thấu được nỗi khổ, chính quyền địa phương đã ưu tiên hỗ trợ 3 hộ/1 con bò để họ luân phiên chăm sóc, tạo sinh kế tạm thời”. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chánh văn phòng huyện Trà Bồng cho hay: “Huyện đang tập trung triển khai chương trình 30a thủy lợi nước Dút. Huyện cũng đã lập Dự án về tái định canh bao gồm việc xây dựng các công trình thủy lợi; khai hoang, cải tạo đất sản xuất; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng để trình lên tỉnh phê duyệt và đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất để những hộ dân sinh sống tại Khu tái định cư hồ thủy điện Hà Nang mau chóng ổn định về điều kiện sinh hoạt, sản xuất”. 

Thông qua nhiều lần tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, 6 năm qua phóng viên đã nghe biết bao ý kiến, kiến nghị của bà con đồng bào dân tộc Kor xã Trà Thủy đối với khu tái định cư này nhưng các đại biểu và chính quyền địa phương cứ hứa cho qua chuyện, còn việc triển khai các chương trình, dự án các cấp cứ bàn mãi nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo bám mãi ở khu tái định cư Hà Nang này.

Lê Phước Như Ngọc -TTXVN