Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dòng Vu Gia trơ đáy từ khi thủy điện ngăn dòng
Lý thuyết và thực tế đang vênh nhau
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam - Trần Xuân Vinh, ĐBQH Quảng Nam đã khẳng định như vậy. Theo ĐBQH Vinh, việc Đà Nẵng nói kiện Bộ TN&MT, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước cũng có luận chứng của họ. Song thực tế những gì người dân đang phải hứng chịu với lý thuyết cơ quan quản lý đưa ra đang vênh nhau.
Câu chuyện xuất phát từ việc mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dự thảo quy trình cạn liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2. Theo đó, dự thảo đưa ra quy định mức xả nước trong mùa cạn tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Nghĩa là mỗi năm lấy 1 tháng có dòng chảy trung bình thấp nhất, bất kể rơi vào tháng nào (có thể tháng 3, 6 hay 7).
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵn cho rằng: “Đây cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng”.
Theo đó, Đà Nẵng kiến nghị Bộ TN-MT phải điều chỉnh bản dự thảo quy trình từ “mốc 2,53m” lên “mốc 2,80m”. Thấp hơn 2,80m thì các trạm bơm này đều phải ngừng hoạt động vì không đủ nước.
Ông Thắng cho rằng, nếu Bộ TN-MT đồng ý với việc lấy mốc 2,80m tại Ái Nghĩa để làm cơ sở vận hành liên hồ chứa thì qua tính toán cho thấy trên thực tế thủy điện Đăk Mi 4 cũng chỉ mới trả lại 40% nước (450 triệu m3) trong số 1,3 tỉ m3 nước mà thủy điện này lấy đi trong mùa khô. Còn nếu lấy mốc 2,53 (đúng như dự thảo) thì lượng nước được trả về hạ lưu chỉ đạt chừng 10%.
Ông Thắng cho rằng nếu không sửa, sau này quy trình vào vận hành gây thiệt hại cho dân hạ du thì Đà Nẵng sẽ kiện cả bên xây dựng quy trình là cơ quan quản lý nhà nước và bên gây ra tình trạng cạn kiệt là thủy điện.
Đồng tình với ý kiến này, ĐB Trần Xuân Vinh cho biết, trước đây lãnh đạo Quảng Nam, Đà Nẵng đã làm việc với các ngành liên quan về việc xả nước mùa kiệt để hạn chế việc xâm nhập mặn, ảnh hưởng sản xuất của bà con.
“Kiến nghị của Đà Nẵng là có cơ sở khoa học, do vậy các cơ quan chức năng cần lắng nghe các nhà khoa học và người dân địa phương”, ĐB Vinh nói.
Dù biết rằng phía cơ quan quản lý nhà nước đưa ra đủ bằng chứng, nói rằng việc xây dựng quy trình là đúng luật, ĐB Vinh cũng nhìn nhận sự việc Đà Nẵng nói kiện, các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước cũng có luận chứng của họ.
“Nhưng thực tế bà con hạ du Quảng Nam, Đà Nẵng đang phải hứng chịu khó khăn mùa kiệt bị thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất. Như vậy giữa lý luận và thực tiễn đang có sự vênh nhau. Do vậy Đà Nẵng có ý kiến như vậy là thể hiện trách nhiệm với nhân dân”, ông Vinh nói.
Ủng hộ Đà Nẵng
Do vậy ông Vinh khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ Đà Nẵng và cũng sẽ có tiếng nói đi cùng. Lý thuyết là như vậy nhưng thực tiễn đánh giá chân lý. Nếu cứ ngồi nói chỗ này chỗ kia sẽ là sách vở và lý thuyết. Xây dựng quy trình gì thì cũng phải kết hợp khoa học và cầu thị nhìn thực tiễn cuộc sống của nhân dân chứ không thể ban hành quy trình kiểu ngồi văn phòng”.
Trước sự việc này Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà đã có ý kiến rằng: "Bộ sẽ tiếp thu tất cả ý kiến, xem xét kỹ càng để tìm ra phương án tốt nhất trình Chính phủ. Chúng tôi sẽ làm tốt nhất để không bao giờ có kiện cáo. Bộ TNMT là cơ quan tham mưu đề xuất, Thủ tướng là người quyết định", Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
ĐB Vinh cũng gợi ý, với phương án điều tiết nước mùa kiệt nhà quản lý đưa ra như vậy nhưng khi đã có ý kiến của địa phương cả Quảng Nam và Đà Nẵng như vậy, cơ quan quản lý cần lắng nghe thêm ý kiến của các nhà chuyên môn.
“Nếu cần thì trưng cầu cả chuyên gia phản biện độc lập và ý kiến của nhân dân xem xét cho thấu đáo. Những ý kiến này cũng cần được đưa ra để Thủ tướng cân nhắc quyết định trên cơ sở đảm bảo đời sống nhân dân là trên hết. Làm gì thì mục đích cuối cùng cũng vì nhân dân”, ĐB Vinh nhấn mạnh.