Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khi hiểm họa ung thư không ngừng tăng

(11:06:52 AM 04/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Báo cáo về ung thư trên toàn cầu 2014 của tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đánh hồi chuông báo động về tốc độ tăng của con số ung thư, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Theo ghi nhận của WHO, mỗi năm có 14 triệu ca ung thư được phát hiện mới và 8,2 triệu người chết hằng năm vì nó. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 27% tổng số ca chết vì ung thư của thế giới, còn nếu tính luôn các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp khác, con số này sẽ tăng đến 70%.

WHO dự đoán trong hai thập kỷ tới, tổng số ca ung thư bị phát hiện mỗi năm có thể lên đến 22 triệu ca.

Trong số các loại ung thư, phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất là ung thư phổi. Dữ liệu năm 2012 cho thấy, số lượng chết vì ung thư phổi lên đến 1,59 triệu ca, tiếp đến là ung thư gan, dạ dày, đại trực tràng, vú và thực quản.


Ô nhiễm không khí là tác nhân gây ung thư phổ biến ở các nước đang phát triển



Trong số các nguyên nhân gây ra ung thư phổi, có thể thấy thuốc lá và ô nhiễm không khí là những yếu tố đáng lưu ý nhất, nhưng đáng lo hơn, những yếu tố này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều quốc gia chưa có chính sách kiểm soát hiệu quả. Ví dụ ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất 40% tổng số thuốc lá toàn cầu và thường xuyên đối mặt với hiểm họa sương khói đầy độc hại ở các thành phố lớn thì đồng thời cũng chiếm hơn 1/3 tổng số ca chết vì ung thư phổi trên toàn cầu. Đối mặt với thảm họa này, năm ngoái Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch kiểm soát việc hút thuốc ở nơi công cộng với hy vọng sẽ khiến môi trường trong lành hơn.

Trong khi ung thư ngày càng diễn biến phức tạp thì một điều đáng phấn khởi là đội ngũ y khoa trên khắp thế giới cũng đang nỗ lực từng ngày để cải thiện và khám phá ra các phương thức chữa trị mới hiệu quả hơn. “Các cải thiện trong dược phẩm và y tế dù chậm nhưng chắc chắn mang lại lợi thế cho chúng ta trong cuộc chiến chống ung thư”, Bác sĩ Ang Peng Tiam, Giám đốc y khoa và là nhà tư vấn cao cấp về ung thư tại Parkway Cancer Centre (PCC) - Singapore, nói.

Ngoài các phương pháp phổ biến như phẫu thuật cắt bỏ các tế bào ung thư, xạ trị để giết các tế bào ưng thư thì hiện cũng xuất hiện phổ biến hơn các cách thức chữa bệnh mới với hiệu quả cũng rất hứa hẹn.

Ví dụ, mới đây PCC đã hợp tác với công ty Champions Oncology để áp dụng liệu phát chữa bệnh TumorGraft cho khu vực châu Á. Đây là một phương pháp chữa bệnh mới mẻ trong đó các bác sĩ sẽ chiết xuất các khối u của bệnh nhân để cấy vào cơ thể chuột. Sau đó, các con chuột này sẽ lần lượt được thử nghiệm để quyết định loại thuốc nào có hiệu quả chữa bệnh cao nhất rồi áp dụng ngược lại cho bệnh nhân.

Ngoài ra, giới y khoa cũng sử dụng kỹ thuật cấy tế bào mầm như Haematopoietic Stem Cell Transplantation (HSCT), phù hợp cho cả người lớn và trẻ em. Theo kỹ thuật này, các tế bào mầm sẽ được cấy vào tủy xương. Một khi các tế bào mầm này nhân bản, chúng sẽ phát triển vào trong các tế bào máu để từ đó giúp phục hồi cơ thể.

Nhưng vì đây là phương pháp có độ rủi ro cao nên HSCT không dành cho tất cả các trường hợp. Nó phù hợp để trị các loại ung thư nghiêm trọng cũng như trị bệnh bạch cầu, bệnh thiếu máu, rối loạn hệ thống miễn dịch và các loại bệnh trao đổi chất do di truyền.

Kể từ ca cấy phép đầu tiên vào 1957 cho đến nay, đã có hơn 1 triệu ca đã được thực hiện theo phương pháp này với tỷ lệ thành công trung bình khoảng 30 – 40% theo chia sẻ của bác sĩ Lim ZiYi, tư vấn cao cấp của PCC. Tuy vậy hiện hầu hết các ca cấy ghép theo dạng này chỉ mới diễn ra ở châu Âu và Mỹ, còn tại châu Á, gần đây PCC đã xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất khá hiện đại để có thể phục vụ tốt hơn các bệnh nhân ở khu vực này.

Theo WHO, hơn 30% các ca chết vì ung thư có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta điều chỉnh hay tránh các tiếp xúc với nhân tố gây bệnh quan trọng. Chúng gồm: tránh thuốc lá vốn là yếu tố quan trọng nhất gây ra 22% tổng ca chết vì ung thư toàn cầu cũng như khoảng 71% ung thư phổi, hạn chế béo phì, có chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh với việc dùng nhiều trái cây và hoa quả. Chúng ta cũng nên vận động nhiều hơn, giảm sử dụng rượu bia, quan hệ tình dục an toàn để tránh nhiễm virut HPV vốn có liên quan đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Còn về mặt nhà nước, một chính sách giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các đô thị lớn là điều nên được tiến hành.

Sơn Thanh- báo ĐV