Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dinh thự và cầu treo

(12:42:21 PM 03/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Chuyện nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền xây biệt thự tiền tỉ tại tỉnh Bến Tre đến nay vẫn chưa lắng dù ông Truyền đã giải thích.

 

Căn biệt thự ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre - nguồn cơn dẫn đến hàng loạt thông tin liên quan đến khối bất động sản được cho là của ông Trần Văn Truyền. Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM

Căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM

 

 Vấn đề càng được đẩy lên cao trào khi dinh cơ của người đứng đầu ngành thanh tra đã về hưu được nêu ra trước công luận cùng thời điểm với vụ lật cầu treo Chu Va 6 (tỉnh Lai Châu) làm 8 người chết thương tâm và hàng chục người bị thương.

 

Biệt thự “khủng” của quan chức nhà nước gây xì xào trong dư luận mấy năm qua chẳng phải hiếm. Người ta từng choáng ngợp trước tòa lâu đài và “vườn thượng uyển” rộng 4.152 m2 trồng các loại gỗ sưa và đá phong thủy quý hiếm có giá trị hàng triệu USD, được cho là của ông Bùi Thanh Quyến, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Ông Quyến sau đó thanh minh rằng tài sản này là của người con trai - ông Bùi Thanh Tùng - một trưởng phòng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Giống ông Quyến, ông Trần Văn Truyền cũng trần tình: Khu đất xây biệt thự là của con trai ông, còn căn biệt thự là do một “người em kết nghĩa” của ông xây tặng...

 

Ai cũng có cách giải thích song đều khó thuyết phục người dân. Người ta có quyền đặt câu hỏi con trai ông Quyến làm trưởng phòng của một sở lấy đâu ra tiền nhiều như vậy? Còn ông Truyền, sợi dây liên hệ giữa chiếc ghế tổng thanh tra vốn rất nhạy cảm, đầy quyền uy và cơ ngơi ông đang sở hữu cũng rất gần nhau. Ở xứ ta xưa nay vốn quen làm quan - hưởng lộc hay một người làm quan - cả họ được nhờ. Bởi vậy, sự hoài nghi của dân chúng đều có cơ sở!

 

Cho dù là tài sản chân chính đi nữa, cái cách thể hiện của những cán bộ nhà nước đó cũng đáng phê phán. Sự xa hoa quả là đặt không đúng chỗ khi xung quanh những dinh thự bề thế kia hầu hết là những căn nhà cấp 4 đơn sơ của người dân. Ở một đất nước nông nghiệp với hơn 70% dân số là nông dân, hầu hết là nghèo, quanh năm chân lấm tay bùn, sao khỏi chạnh lòng mỗi khi ngước nhìn những cơ ngơi hoành tráng của quan chức.

 

Đành rằng xã hội ta luôn khuyến khích làm giàu chính đáng và những người khoe sự giàu sang không vi phạm pháp luật song giữa một cộng đồng đang sống trong hoàn cảnh ngược lại thì sự phô trương ấy trở nên kệch cỡm.

 

Đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn dưới 2.000 USD/năm, nợ công vẫn khá cao (mỗi người gánh 800 USD), có đến 11 tỉnh xin gạo cứu đói, đặc biệt là lương nhà nước rất thấp, hầu như không cán bộ, công chức nào sống được bằng lương; đất nước chưa thoát được sự lạc hậu, người dân vẫn còn đói nghèo, trẻ em nhiều nơi phải bơi qua sông hoặc hồi hộp bước trên những chiếc cầu treo cheo leo để đến trường và có thể thiệt mạng bất kỳ lúc nào..., trong khi một bộ phận “công bộc” của dân công nhiên khoe khoang cuộc sống đế vương thì ai mà chịu được!

 

Quy định về kê khai, minh bạch tài sản đối với cán bộ dù đã có (dù chưa thực chất) nhưng đối với cán bộ về hưu thuộc diện trung ương quản lý thì lại không. Kẽ hở này sẽ giúp thêm nhiều dinh cơ mọc lên. Vì thế chưa biết bao giờ dân chúng mới thôi “nhức mắt” trước những biệt điện tráng lệ, chói lòa.

Dương Quang - báo NLĐ