Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sự tương quan giữa nhiệt độ và số mắc SD/SXHD (không bao gồm những năm có dịch bùng phát đặc biệt) theo báo cáo tại Việt Nam (1996-2009).
Từ thế kỷ trước, tác động của hiệu ứng nhà kính dẫn đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu đã trở thành một nguy cơ sinh thái nghiêm trọng có ảnh hưởng tới đời sống của loài người và các mối tương tác với các loài khác.
Hiện tượng này còn được coi như là một động lực chính chi phối mối tương tác giữa ‘tác nhân gây bệnh - vật lây truyền/môi trường – sinh vật chủ’ của hầu hết các bệnh do nhiễm khuẩn bao gồm cả sốt dengue/sốt xuất huyết dengue (SD/SXHD). Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến đâu thì cần phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng và dựa trên cơ sở khoa học.
Kể từ những năm 50, SD/SXHD đã trở thành một mối vấn đề sức khoẻ chung trên toàn cầu với diện bao phủ ngày càng rộng; và gánh nặng mà nó tạo ra ngày càng tăng nhanh.
Trong một dự đoán mang tính cảnh báo, nhóm chuyên gia Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC, 2009) đã cảnh báo rằng đến năm 2080, khoảng từ 1,5 đến 3,5 tỷ người trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc sốt xuất huyết mà nguyên nhân là do hiện tượng trái đất ấm lên và “do biến đổi khí hậu, sốt dengue sẽ lại tăng tại các nước đang phát triển” (Gubler, 2008).
Do vậy, hiện tượng trái đất ấm dần lên đã trở thành một lý do để dựa vào đó, các quan chức ngành y tế và các nhà hoạch định chính sách giải thích cho câu hỏi tại sao lại không phòng ngừa được sự tái diễn của bệnh dịch mà trước đó đã từng được kiểm soát một cách hiệu quả.
Tại Việt Nam, khi phân tích số liệu khí hậu và số ca mắc SD/SXHD trong vòng 10 năm gần đây đã thấy rằng nhiệt độ tăng không có mối tương quan với số ca SD/SXHD theo báo cáo trong suốt khoảng thời gian từ 1996-2009 tại các tỉnh miền Trung và miền Nam của Việt Nam.
Tuy nhiên tại Hà Nội, vẫn có sự tương quan nhỏ được phát hiện (hệ số tương quan = 0.65). Những năm Hà Nội bùng phát dịch lớn theo chu kỳ khoảng 10 năm (1987, 1998, 2009) đều là những năm có El Nino hoạt động mạnh (gây ra hiện tượng nóng đột biến kéo dài và khô hạn tại vùng cận nhiệt đới Việt Nam.
Do vậy, ngoài biến đổi khí hậu theo mùa và thời tiết cực đoan, SD/SXHD vẫn còn là một bệnh do sinh vật gây ra chưa thể dự đoán được với nhiều yếu tố chi phối.
Tuy nhiên, theo mô hình của Dana Focks, nhiệt độ hàng ngày là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới ngưỡng lây lan SD/SXHD, vốn được xác định thông qua tỷ lệ số người mắc/ tổng dân số theo tỷ lệ miễn dịch của quần thể với sốt dengue.
Những yếu tố khác có liên quan tới sự lây lan của SD/SXHD được biết là do các điều kiện khí hậu, bao gồm cả sự tồn tại và phát triển của sinh vật mang mầm bệnh là muỗi vằn. Thời kỳ ủ bệnh ra bên ngoài và khả năng gây bệnh của muỗi theo như quan sát là phụ thuộc và nhiệt độ.
Hơn nữa, sự biến đổi về lượng mưa và nhiệt độ theo mùa được cho là có tương quan với với mức độ nhiễm sốt dengue, với số ca sốt dengue có liên quan tới lượng mưa và nhiệt độ có lẽ là do vào mùa mưa, vùng trú ẩn và sinh sôi của muỗi gia tăng.
Các mô hình phổ biến về biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho mối liên hệ giữa sự tăng nhiệt độ nhỏ và nguy cơ xảy ra dịch sốt gia tăng. Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, nhiệt độ là một trong những yếu tố môi trường chính có tác động tới thời điểm phát triển ấu trùng muỗi vằn.
Theo IPCC, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thay đổi khí hậu và hiện tượng mực nước biển dâng cao. Mưa lớn cũng gây lụt lội thường xuyên tại các tỉnh miền Trung và miền Nam của Việt Nam.
Hạn hán hầu như năm nào cũng xảy ra ở hầu hết các vùng miền bên cạnh các thảm hoạ thiên nhiên khác như bão nhiệt đới, và lũ lụt. Những thảm hoạ này thu hút nhiều quan tâm hơn tới các bệnh do nước và thực phẩm gây ra khác thay vì sốt dengue (phân tích thống kê cho thấy không có mối tương quan đáng kể giữa số ca SD/SXHD hàng năm với tổng lượng mưa trong giai đoạn 1996-2007). Tuy nhiên, trải qua các năm, số ca SD/SXHD luôn tăng vào mùa mưa (tháng 4 đến tháng 10).
Trong mùa ẩm ướt, số bể chứa nước (nơi hình thành ấu trùng muỗi vằn,) tăng nhanh, tạo điều kiện do sinh vật gây bệnh phát triển mạnh. Trong giai đoạn 1999 – 2006, số ca mắc sốt dengue trung bình hàng tháng tăng, tương quan với lượng mưa (hệ số tương quan = 0.87) và nhiệt độ (hệ số tương quan = 0.64).
Gia tăng dịch SD/SXHD?
Các yếu tố chính có thể là: thay đổi về nhân khẩu (sự phân bố và gia tăng dân số, tình trạng đô thị hoá mất kiểm soát); giao thông hiện đại (toàn cầu hoá); sự đi lại của dân gia tăng; hệ sinh thái vi sinh vật và thiếu các biện pháp phòng ngừa muỗi hiệu quả.
Theo Gubler (2008), cho tới nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng hiện tượng trái đất ấm dần lên là một nguyên nhân chính gây ra sự nguy cấp về SD/SXHD trong thế kỷ 20 hoặc các bệnh nhiễm khuẩn khác!
Năm 2009 bùng phát SD/SXHD tại Hà Nội: Số ca phát hiện (8.530) tăng 14 lần so với năm 2008; Phát hiện tại tất cả 29 quận, huyện (411 xã); Phổ biến là virus huyết thanh D1.
Các khu vực nguy cơ là khu phố cổ và đông dân cư, các khu ven đô đang đô thị hóa không kiểm soát được với điều kiện sống không đảm bảo và các khu công trường xây dựng.
SD/SXHD bùng phát từ Hà Nội lan ra các tỉnh thành khác. Hơn 50% bệnh nhân SD/SXHD của năm 2009 là sinh viên và lao động ngoại tỉnh. Họ bị bệnh mà không được chăm sóc y tế đầy đủ tại Hà Nội. Hậu quả là khi họ về quê, vi rút được truyền sang cho người thân. Đây là cách lây lan chính của bệnh từ Hà Nội về các địa phương lân cận.
Sốt dengue/sốt xuất huyết là một bệnh phức tạp do vật truyền bệnh trung gian gây ra và chịu tác động bởi nhiều yếu tố trong đó có sự thay đổi về hệ vi sinh vật gây bệnh, sự lưu thông của các chủng virus dengue, sự biến động theo mùa, thay đổi nhân khẩu (phân bố và gia tăng dân số,) giao thông hiện đại, đặc biệt do biến đổi khí hậu.
Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu sẽ mở rộng phạm vi phân bố SD/SXHD theo hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ở các quốc gia đang phát triển thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Việt Nam, những thay đổi theo mùa có khả năng tác động tới SD/SXHD một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, do thay đổi hành vi con người, và sự tương tác giữa các chủng virus dengue, quần thể muỗi và con người.
Do vậy, Việt Nam cần có những đánh giá chi tiết hơn về thay đổi khí hậu và tác động đối với SD/SXHD và các bệnh nhiễm khuẩn khác nhằm vạch ra những phương án đối phó kịp thời và hiệu quả những thảm hoạ này trong tương lai.