Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vai trò và ý nghĩa của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002?

(22:08:00 PM 28/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Việc ký kết Tuyên bố DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc là kết quả của nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Đây là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông. Việc ký kết văn kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN về các vấn đề trên biển.

Câu hỏi 76:Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông 2002 (DOC) và Quy tắc  hướng  dẫn  triển  khai  DOC  đã được  thông  qua  tại  Cuộc  họp  SOM  ASEAN-Trung  Quốc ngày 20/7/2011  tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a có vai trò, ý nghĩa như thế nào?

 

Ảnh tư liệu

 

Đáp: Có  thể  thấy  việc  ký  kết  Tuyên  bố  DOC  năm  2002  giữa ASEAN và Trung Quốc là kết quả của nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Đây là  văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung  Quốc trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông. Việc ký kết văn  kiện  này  là  một  bước  tiến  quan  trọng  trong  việc  đối  thoại  giữa Trung Quốc và ASEAN về các vấn đề trên biển.

 

Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc luôn đánh giá  cao ý nghĩa của DOC và nhiều lần  khẳng định quyết tâm thực hiện  đầy đủ  DOC  và hướng tới  COC. Tuyên bố  chung của các nguyên  thủ và Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến  lược ASEAN  -  Trung Quốc (Ba-li, In-đô-nê-xi-a ngày 08/10/2003)  đã coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh  giữa  ASEAN  và  Trung  Quốc.  Tại  Hội  nghị  Cấp  cao  ASEAN  -Trung Quốc lần thứ 13 (tổ chức tại Hà Nội  ngày 29/10/2010), các  nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc một lần nữa  khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên  bố về  cách  ứng xử  của các  bên ở Biển Đông và hướng tới thông qua Bộ Quy  tắc ứng xử ở Biển Đông trên cơ sở đồng thuận, qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

 

Vai trò của DOC và sự cần thiết thực hiện đầy đủ các cam kết  theo DOC cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điểm 13 của  Tuyên bố của Chủ tịch ARF 17 tại Hà Nội nêu rõ “Các Bộ trưởng  khẳng định tầm quan trọng của DOC như là một văn kiện lịch sử  giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể nhằm đảm bảo các giải pháp hoà bình cho các tranh chấp trong khu vực. Các  Bộ trưởng nhấn mạnh hiệu quả của DOC trong việc xây dựng sự tin  cậy lẫn nhau và sẽ giúp cho việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu  vực. Các Bộ trưởng khuyến khích các nỗ lực theo hướng thực hiện  đầy đủ DOC và cuối cùng tiến tới COC”.

 

Nhằm triển khai DOC đầy đủ và hiệu quả, Quy tắc hướng dẫn  triển khai DOC đã được thông qua tại Cuộc họp SOM ASEAN  -Trung Quốc ngày 20/7/2011 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a.

 

Quy tắc hướng dẫn bao gồm 8 điểm với các nội dung chính  quy  định việc triển khai DOC phải được tiến hành từng bước theo  trình tự của các điều khoản của DOC; triển khai các hoạt động của  các dự án của DOC  cần được xác định rõ (về bảo vệ môi trường  biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn hàng hải và thông tin liên lạc  trên  biển,  hoạt  động  tìm  kiếm  cứu  nạn,  và  chống  tội  phạm xuyên quốc gia bao gồm buôn lậu ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển và vận chuyển vũ khí trái phép); và việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án trên tinh thần tự nguyện và các hoạt  động  ban  đầu  theo  tinh thần  của  DOC  được  coi  là  các  biện  pháp xây dựng lòng tin…

 

Ý  nghĩa  của  việc  thông  qua  Quy  tắc  hướng  dẫn  triển  khai  DOC là  việc thực hiện DOC không chỉ là triển khai các dự án mà  phải  thực  hiện  đầy  đủ  các  quy  định  khác  theo  trình  tự,  đó  là  tôn trọng quyền tự do hàng hải, bay qua Biển Đông theo các quy định của luật pháp quốc tế trong đó có Công ước luật Biển năm 1982; giải quyết tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua đàm  phán và hiệp thương hữu nghị giữa các bên tranh chấp trực tiếp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Luật Biển năm 1982; cam kết tự kiềm chế, không làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp làm ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định…

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương

TIN MÔI TRƯỜNG