Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đòi bồi thường do Sonadezi gây ô nhiễm nghiêm trọng: Người dân đơn độc

(13:41:11 PM 28/02/2014)
(Tin Môi Trường) - 1. Cuộc đấu tranh yêu cầu Sonadezi Long Thành phải bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm nghiêm trọng tại xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai, cho đến nay đã kéo dài hơn hai năm, kể từ ngày công ty này chính thức bị cục Cảnh sát môi trường (C49) bắt quả tang. Nhưng kết quả đến nay vẫn gây bức xúc cho rất nhiều người dân bị thiệt hại.

Người dân đang hoàn toàn ở thế đơn độc trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại từ các công ty gây ô nhiễm và sự bất hợp lý trong vấn đề khoanh vùng ô nhiễm của các cơ quan chức năng. Ảnh: TL
 

Thông tin từ hội Nông dân tỉnh Đồng Nai: hiện 169 hộ dân nằm trong vùng bị ô nhiễm đã được bồi thường hơn 11 tỉ đồng; 109 hộ khác nằm trong vùng ô nhiễm cũng đã được bổ sung vào danh sách bồi thường và đang chờ Sonadezi “xuất tiền”, khoảng hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, với hơn 100 hộ dân bị thiệt hại do ô nhiễm của công ty này – nhưng bị loại ra khỏi vùng ô nhiễm (theo tính toán của viện Môi trường và tài nguyên, do sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai thuê) – thì đến nay không hề được giải quyết. “Hiện chúng tôi chỉ tập trung giải quyết những người trong vùng ô nhiễm, còn ngoài vùng thì không, vì rất cực cho ban chỉ đạo”, ông Đặng Thái Thi, trưởng ban Kinh tế xã hội, hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết.

 

Điểm lại, suốt một quá trình dài đấu tranh này, đã có những buổi “lý luận tay đôi” giữa những người dân bị thiệt hại với viện Môi trường và tài nguyên, kết quả đại diện viện phải thừa nhận “phạm vi ô nhiễm thể hiện trên bản đồ tính toán và thực tế ô nhiễm có khác nhau”; đã có những lời hứa của cấp tỉnh, cấp huyện sẽ thực hiện xác minh, thẩm định lại đến nơi đến chốn... Nhưng đến tháng 7.2013, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo: không giải quyết, mà chính quyền cơ sở cần tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ nhằm tranh thủ sự đồng tình của người dân! Tuy nhiên, trong đơn khiếu nại Sonadezi gần đây nhất của các hộ dân bị thiệt hại gửi chính quyền tỉnh Đồng Nai, tất cả những “tính toán” của viện Môi trường và tài nguyên vẫn chưa được lý giải. Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Văn Hoàng, ấp 1, bức xúc: “Việc văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn chúng tôi kiện Sonadezi ra toà là chưa làm tròn trách nhiệm, bởi đây là công ty kinh tế của UBND tỉnh, UBND tỉnh là cơ quan chủ quản có trách nhiệm trực tiếp đối với Sonadezi. Hơn nữa, bất cứ vị lãnh đạo nào cũng thừa hiểu người dân chúng tôi hiện nay bị thiệt hại nặng nề, đời sống kinh tế kiệt quệ thì làm gì có tiền đóng án phí, để có “quyền” kiện Sonadezi ra toà!”

 

2. “Người dân đang hoàn toàn ở thế đơn độc trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại từ các công ty gây ô nhiễm, và sự bất hợp lý trong vấn đề khoanh vùng ô nhiễm của các cơ quan chức năng. Công ty Sonadezi là một trong trường hợp điển hình đó”. Đây là một trong những nhận định ban đầu sau chín tháng thực địa của tác giả luận án tiến sĩ “Những yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các nhóm xã hội trong vấn đề bảo vệ nguồn nước từ ô nhiễm tại Việt Nam”. Đề tài do nghiên cứu sinh Trần Tử Vân Anh, giảng viên khoa xã hội học, công tác xã hội và Đông Nam Á, đại học Mở TP.HCM, theo chương trình học bổng của viện Nghiên cứu phát triển, đại học Bonn, Cộng hoà liên bang Đức thực hiện.

 

Theo nghiên cứu, sự yếu thế của người dân được thể hiện rõ qua nhiều “động thái” của các nhóm xã hội liên quan (hội Nông dân, luật sư, nhà báo, những người dân thiệt hại). Bà Vân Anh nói rằng, thực tế, Nhà nước có vai trò cân bằng giữa việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường nhưng có nhiều hạn chế: luật, nhân lực và kinh phí… Còn các nhóm xã hội những năm gần đây nổi lên như nhân tố mới, họ nỗ lực tạo sức ép lên chính quyền địa phương để bảo vệ nguồn nước. Nhận định ban đầu của đề tài cho thấy, những yếu tố gồm: loại hình doanh nghiệp (nước ngoài, nhà nước); Nhà nước (từ trung ương đến địa phương); người tiên phong; mức độ và phạm vi ô nhiễm có tác động mạnh mẽ đến mạng lưới và hiệu quả của các nhóm xã hội. Đặc biệt, “hành động của chính quyền từ trung ương đến địa phương đang can thiệp và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của các nhóm xã hội”. Những điều này được thấy rất rõ qua đối chiếu với quá trình đấu tranh đòi thiệt hại cho người dân ở vụ Vedan gây ô nhiễm những năm trước đây. “Nếu không có sự quyết liệt vào cuộc, được khởi xướng từ hội Nông dân TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các luật sư, sự đồng thuận của các nhóm xã hội khác, cùng chỉ đạo từ cấp bộ Tài nguyên và môi trường, sự ủng hộ của chính quyền địa phương thì có lẽ vụ Vedan khó đạt được thành công”, nhiều chuyên gia nhận định tại toạ đàm lấy ý kiến của đề tài vừa được tổ chức gần đây.

 

3. Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều người dân bị thiệt hại do ô nhiễm của Sonadezi chưa được công nhận khẳng định: họ sẽ tiếp tục tìm đường đấu tranh tiếp, không loại trừ con đường toà án. “Nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều bất lợi”, Nguyễn Văn Trai, một người dân bị thiệt hại nói. Sau “thắng lợi” từ vụ Vedan gây ô nhiễm và buộc phải bồi thường cho người dân bị thiệt hại, dường như xã hội đã bắt đầu hy vọng nhiều hơn về phản ứng lan toả của người dân trong cách thức sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Người dân chỉ có thể được bảo vệ tốt nhất bằng pháp luật. Nhà nước cũng chỉ được phép bảo vệ cá nhân trong khuôn khổ pháp luật. Điều này đã thấy xuất hiện ở nhiều vụ gây ô nhiễm lớn khác trong cả nước vài năm gần đây. Vụ án Sonadezi cũng vậy. Nhưng nếu còn nhiều cánh cửa hỗ trợ tương tác quá hẹp, nếu pháp luật chưa được thực thi đúng trong vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các nhóm xã hội liên quan... thì nhiều người dân bị thiệt hại sẽ tiếp tục còn phải ở thế cô độc trong quá trình đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi của mình.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (từng tham gia vụ Vedan)

 

Kinh nghiệm của tôi, nếu không có sự phối hợp giữa các bên, từ luật sư, hội Nông dân… với người dân thì dân sẽ rất dễ bị thiệt thòi. Hệ thống pháp luật về khiếu kiện và thực thi trong bảo vệ môi trường, cơ chế giải quyết xung đột và tranh chấp hiện còn chưa phù hợp. Tôi đề xuất cần cho phép khởi kiện tập thể do một cá nhân hay tổ chức đại diện, để tạo điều kiện và bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người dân và cũng giảm áp lực cho toà án. Thứ hai là đề nghị kéo dài thời hiệu khởi kiện đối với lĩnh vực môi trường. Việc thời hạn chỉ có hai năm là vô lý, mà cần tính thời hiệu khởi kiện là từ ngày phát sinh thiệt hại. Thứ ba là cụ thể hơn về trách nhiệm xác định thiệt hại môi trường. Điều 131 luật Bảo vệ môi trường, trường hợp mỗi bên hoặc các bên có yêu cầu thì cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia hướng dẫn cách tính toán, xác định thiệt hại và chứng kiến việc xác định định thiệt hại này. Nhưng trên thực tế thi hành điều này thì thường bị nhận cái lắc đầu. Người dân rất khó khăn trong xác định thiệt hại…

 

Ông Nguyễn Văn Lượng, hội Nông dân TP.HCM

 

Trong những vụ việc thế này, người dân có thể tìm tới hội Nông dân cơ sở, hội Luật sư cho người nghèo để tư vấn về pháp lý, nhưng nếu không được hỗ trợ thì các anh có thể gửi đơn thư tới trung tâm Môi trường của hội Nông dân Việt Nam để tiếp tục được giải quyết.

Lê Quỳnh- SGTT