Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bà Dương Thị Ngọc Ẩn (xã Tân Trạch, Long An)
Sau khi qua những con đường liên xã đầy bụi đá đỏ, chúng tôi đến ấp 4A và 4B xã Tân Trạch, huyện Cần Đước. Đây là hai ấp nằm cặp theo sông Vàm Cỏ Tây được quy hoạch làm hai cụm công nghiệp và một khu tái định cư với diện tích 120ha vào năm 2007.
Sau đó nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, không triển khai nên UBND tỉnh Long An đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Mới đây tỉnh công bố xóa luôn quy hoạch không làm công nghiệp ở đây nữa.
Hết sống phập phồng
Ông Nguyễn Minh Hoàng, cán bộ địa chính xã Tân Trạch, cho hay khi biết tỉnh quy hoạch đất cặp sông Vàm Cỏ Tây làm cụm công nghiệp, nhiều người dân tỏ ý không đồng tình.
Năm 2009, Công ty Thành Tài Long An và Công ty Nhật Quang đã đo đạc, kiểm kê để tiến hành bồi thường, san lấp mặt bằng xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, dù không muốn nhưng người dân buộc phải chuẩn bị đi nơi khác sinh sống. Kiểm kê xong, người dân có tâm lý bỏ bê ruộng nương, nhà cửa và chờ nhận tiền bồi thường.
Vậy mà suốt gần bốn năm sau đó không thấy ai bồi thường. Mãi đến năm 2013, nghe tỉnh thu hồi dự án, rồi xóa quy hoạch nên ai cũng mừng.
Xóa 4.600ha quy hoạch “treo”
UBND tỉnh Long An vừa quyết định thu hồi 31 dự án chậm triển khai với tổng diện tích đất hơn 1.970ha. Trong hai năm liên tiếp, tỉnh này đã thu hồi 76 dự án “treo” với diện tích đất 4.634ha. Trong danh sách những dự án bị thu hồi vừa qua có nhiều xã “gánh” số dự án, đất đai rất lớn. Đó là xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) 7 dự án với diện tích 800ha, xã Trường Bình (huyện Cần Giuộc) 3 dự án với 289ha, xã Long An (huyện Cần Giuộc) 3 dự án với gần 300ha, xã Thanh Phú (huyện Bến Lức) 1 dự án khu công nghiệp 262ha, xã Mỹ Yên, Tân Bửu (huyện Bến Lức) 3 dự án với 332ha. Đây là những vùng đang sản xuất lúa hoặc nuôi trồng thủy sản nên sẽ được tỉnh xem xét xóa các quy hoạch công nghiệp, đô thị không phù hợp.
Bà Dương Thị Ngọc Ẩn (57 tuổi) cho biết gia đình bà có 4,5 công ruộng làm lúa 3 vụ/năm, năng suất trung bình đạt 6 tấn/ha trở lên, hiện lúa đông xuân đang trổ bông.
Bà kể mấy năm trước khi nghe tin sắp giao đất để chuyển đi nơi khác sinh sống, cả gia đình ai cũng buồn. Ai cũng lo cuộc sống xứ người sẽ khó khăn hơn, tiền bồi thường có đủ mua đất sản xuất và cất nhà để ở không.
“Cũng may là tỉnh bỏ quy hoạch, gia đình tui và bà con ở lại đây chứ không phải đi đâu hết. Giờ tui rất yên tâm trồng lúa, trồng rau màu, chăn nuôi trên đất của mình. Làm nông nghiệp không giàu nhưng đất tốt thế này sẽ không nghèo đâu” - bà Ẩn cười tươi.
Mặc dù Tân Trạch là vùng nông thôn sâu của tỉnh Long An, nhưng các khu dân cư ven sông Vàm Cỏ Tây rất trù phú. Đi qua vùng mới xóa quy hoạch ở ấp 4A và 4B, chúng tôi ít gặp nhà tạm, mái lá mà hầu hết là nhà tường kiên cố.
Theo chính quyền địa phương, sau khi hay tin xóa quy hoạch cụm công nghiệp, người dân đã mạnh dạn bỏ tiền sửa nhà hoặc xây nhà mới. Tại nhà ông Đào Văn Trung có một tốp thợ đang lót gạch và làm hàng rào bằng sắt xung quanh nhà.
Ông hồ hởi: “Hồi trước bị quy hoạch, chính quyền không cho thay đổi hiện trạng nên tui bỏ bê nhà cửa xuống cấp, mưa dột khắp nơi. Giờ bỏ quy hoạch rồi tui mới dám bỏ ra 50 triệu đồng lót gạch nền nhà cho sạch sẽ, làm hàng rào sắt quanh nhà cho đẹp và yên tâm hơn”.
Đổi thay
Những ngày này cánh đồng lúa đông xuân bạt ngàn ở xã Nhơn Thạnh Trung (TP Tân An) đang trong giai đoạn làm đòng.
Ông Trần Ngọc Hữu ở ấp Bình Trung cho biết gia đình ông có 5.600m2 đất sản xuất lúa 3 vụ/năm bị quy hoạch làm khu công nghiệp quy mô 220ha.
Suốt nhiều năm gia đình ông và mấy trăm hộ dân ở đây phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ ngày dọn đi nơi khác, nhưng sau khi tỉnh xóa quy hoạch “treo” mọi người thi nhau xây mới hoặc sửa sang nhà cửa sau nhiều năm chịu đựng cảnh khi mưa bão phải trốn gầm giường.
Ông Hữu nói: “Năng suất lúa vụ này phải hơn 8 tấn/ha. Xã Nhơn Thạnh Trung đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nên người dân tập trung xây nhà, làm đường rất xôm tụ. Chính quyền địa phương vận động dân tranh thủ làm nhà, sửa nhà để cuối năm nay sẽ xóa hết nhà tạm”.
Mặc dù đã thoát quy hoạch khu công nghiệp 220ha, nhưng hiện ở xã Nhơn Thạnh Trung vẫn còn một quy hoạch cụm công nghiệp 80ha chưa được xóa.
Dự án này đã được UBND tỉnh Long An giao cho Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Gemadept nhưng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Người dân bị ảnh hưởng quy hoạch cũng đã có đơn kiến nghị tỉnh xóa quy hoạch để họ yên tâm làm ăn, sinh sống.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết ngay sau khi UBND tỉnh quyết định thu hồi dự án “treo”, sở cũng tham mưu nên xóa quy hoạch ở những vùng sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.
Thậm chí những nơi đang sản xuất 1 vụ/năm nhưng nếu thấy có khả năng nâng lên 2-3 vụ/năm thì cũng đề nghị bỏ quy hoạch để đầu tư đào kênh dẫn nước cải tạo đất.
Đến nay đã có khoảng 500ha đất nông nghiệp được xóa quy hoạch “treo”. Sở NN&PTNT đang tập trung đầu tư kinh phí đào kênh mới, nạo vét kênh trục chính bị bồi lắng sau nhiều năm bỏ bê chờ san lấp mặt bằng ở xã Long Sơn, Tân Trạch (huyện Cần Đước) để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đối với quy hoạch cụm công nghiệp ở xã Nhơn Thạnh Trung, quan điểm của sở là nên xóa vì đây là vùng sản xuất lúa năng suất cao và nguyện vọng của người dân cũng không muốn chuyển sang làm công nghiệp.
Làm nhanh để người dân yên tâm
Với câu hỏi “Vì sao tỉnh Long An quyết định thu hồi, xóa nhiều dự án để trả lại đất cho người dân như vậy?”, ông Phạm Văn Rạnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - giải thích: “Một số dự án thực hiện quy định mới về giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng từ 1-2,5 lần, không còn khả thi với tính toán của nhà đầu tư. Kinh tế khó khăn nên một số nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính để triển khai dự án. Do vậy tỉnh đã kiểm tra, rà soát để thu hồi một số dự án, xóa quy hoạch đối với các dự án không còn phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phục hồi, trả lại đất để người dân an tâm ổn định sản xuất.
* Hướng giải quyết của tỉnh ra sao đối với các dự án đã thu hồi?
- Việc đầu tiên sau khi thu hồi chủ trương hoặc giấy chứng nhận đầu tư các dự án thì tỉnh tiếp tục xem xét quy hoạch đó có còn phù hợp nữa hay không. Nếu không còn phù hợp hoặc sử dụng nhiều đất sản xuất lúa năng suất cao thì kiên quyết xóa quy hoạch, trả lại đất cho nông dân yên tâm sản xuất.
Đối với những quy hoạch còn phù hợp, tức là ở những nơi sản xuất hiệu quả thấp và được người dân đồng thuận chuyển sang mục đích khác thì sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư thực hiện dự án. Khi xóa quy hoạch thì Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như những địa phương khác.
* Tỉnh Long An còn bao nhiêu quy hoạch nằm trong danh sách “đen” có khả năng thu hồi thời gian tới?
- Do thời gian qua chúng tôi đã làm rất quyết liệt, thu hồi rất nhiều dự án, xóa rất nhiều quy hoạch “treo” nên số còn lại không nhiều. Công việc quan trọng nhất mà chúng tôi đang tập trung là xem xét, lấy ý kiến nhân dân để quyết định xóa hay giữ lại quy hoạch nào trong số những dự án đã được thu hồi vừa qua. Chúng tôi cố gắng làm nhanh để người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.