Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bình luận về yêu cầu của Chính phủ về việc giới thiệu những dự án trọng điểm, dự án tiềm năng cho Samsung, TS Nguyễn Ngọc Anh - Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN), thành viên nhóm tư vấn kinh tế vĩ mô của UB Kinh tế Quốc hội cho biết, việc hợp tác với Samsung là cơ hội quan trọng, không nên bỏ lỡ. Tuy nhiên, cơ hội có nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều.
Hợp tác lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin
PV: - Mới đây, Chính phủ có công văn yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lựa chọn một số dự án tiềm năng, dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm quốc gia như dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3, sân bay Long Thành, lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, đầu tư hoặc tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy SBIC... giới thiệu cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Theo quan điểm của ông, lý do vì sao lại có sự hợp tác này, việc này đã có tiền lệ bao giờ chưa?
TS Nguyễn Ngọc Anh: - Có thể nói, việc này vừa có tiền lệ, vừa chưa có tiền lệ. Có tiền lệ nếu nhìn theo góc độ đây cũng là hoạt động xúc tiến đầu tư. Việt Nam đã từng tổ chức nhiều sự kiện, diễn đàn đầu tư để quảng bá cơ hội đầu tư, lôi kéo thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam, trong đó các ngành, các địa phương cũng đưa ra các dự án tiềm năng để giới thiệu với các nhà đầu tư quốc tế.
Còn chưa có tiền lệ, nếu nhìn theo góc độ ở đây là một tập đoàn đa quốc gia đặc biệt được Chính phủ đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc mình đang tìm cách trải một tấm thảm phù hợp để đón nhà đầu tư đặc biệt này. Chính phủ nhận thức được việc Samsung đầu tư vào Việt Nam có thể đem lại những lợi ích đặc biệt mà ta có thể tận dụng để phục vụ cho việc phát triển đất nước.
Việc hợp tác với Samsung là cơ hội quan trọng, không nên bỏ lỡ nhưng thách thức vẫn còn rất nhiều.
Đây có thể coi là động thái tích cực của Chính phủ đi từ nhận thức tới hành động. Ý thức được đây là một nhà đầu tư đặc biệt, dẫn tới có những hành động chuẩn bị tương ứng để tận dụng được những lợi ích tiềm năng mà nhà đầu tư này có thể mang lại.
Khi các nhà đầu tư lớn tầm cỡ như Samsung đầu tư vào Việt Nam, họ mang vào Việt Nam không chỉ là vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, marketing, mà còn tạo ra cho các doanh nghiệp Việt Nam một cơ hội tham gia vào hệ thống sản suất toàn cầu của họ. Điều này là hết sức quan trọng, khi khái niệm và khối lượng “trade in tasks” ngày trở lên quan trọng và càng lớn trong thương mại và đầu tư quốc tế.
Khi Samsung vào Việt Nam, nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt, phù hợp, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể tham gia sâu, mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, khi đó không nhất thiết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phục vụ cho mình Samsung.
PV: - Xin ông cho biết, với điều kiện và tình hình kinh tế hiện nay Việt Nam nên hợp tác với Samsung ở những lĩnh vực nào?
TS Nguyễn Ngọc Anh: - Vấn đề mình muốn gì, và mình chuẩn bị được những điều kiện gì? Hiện tại, Samsung có 4 lĩnh vực thế mạnh là điện tử, đóng tàu, xây lắp (Engineering) và xây dựng. Đặc biệt trong 4 ngành này, thì điện tử là ngành mà Samsung là một trong số ít những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Việc đầu tư lớn của Samsung vào Việt Nam trong thời gian gần đây nên được nhìn nhận trong chiến lược “Trung Quốc cộng một” (China plus one strategy) của các tập đoàn đa quốc gia – là chiến lược đa dạng hoá địa điểm đầu tư không chỉ tập trung sản xuất ở Trung Quốc, vì các lý do địa chính trị, địa kinh tế, cũng như các tính toán khác về giảm giá thành lao động, tiếp cận các mạng lưới các nhà sản xuất Trung Quốc, thị trường Trung Quốc.
Samsung đầu tư lớn và Thái Nguyên trong lĩnh vực điện tử, là lĩnh vực mạnh nhất của Samsung, và họ cũng đã có những tính toán rất kỹ khi xây dưng nhà máy ở đây. Đây cũng chính là lĩnh vực mà ta nên tập trung đẩy mạnh hợp tác phát triển với họ.
Trong các lĩnh vực mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành giới thiệu cho Samsung, quan trọng nhất là lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin.
“Đặt cược” vào Samsung
PV: - Với chỉ đạo của Chính phủ, dư luận có đặt câu hỏi về việc Samsung đầu tư hay đầu tư vào Samsung, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Nguyễn Ngọc Anh: - Theo tôi, Việt Nam nên “đặt cược” vào Samsung. Lý do đây lần đầu tiên Việt Nam có những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu, nắm giữ những công nghệ đỉnh cao, đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào Việt Nam. Gần đây ta thấy những tập đoàn như Intel, LG, Samsung đầu tư vào Việt Nam.
Nhà máy Samsung Electronic Bắc Ninh
Tôi đánh giá đây là cơ hội cho Việt Nam, để Việt Nam có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, có thể xây dựng được ngành công nghiệp điện tử trong nước mạnh. Các doanh nghiệp trong nước, bước đầu tham gia ở các công đoạn sư dụng lao động giá rẻ, có tay nghề, sau này chuyển dần sang tham gia các công đoạn sản xuất có nhiều giá trị gia tăng hơn. Trong hoàn cảnh hiện tại, điều này rất phù hợp với Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, phù hợp với chiến lược phát triển của ta.
Cái này nó khác với các dự án đầu tư như các dự án lọc dầu, là những ngành công nghiệp có nhiều ô nhiễm, có có khả năng lan toả cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của tôi, cơ hội này là quan trọng, không nên bỏ lỡ. Dự kiến, Việt Nam có khoảng 10 năm để tận dụng và nắm bắt cơ hội này. Các nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc ra, họ đã từng chạy ra khỏi Trung Quốc thì họ cũng có thể rời khỏi Việt Nam. Các điểm đến tiềm tàng cho các nhà đầu tư khi rút khỏi Trung Quốc, thì ngoài Việt Nam, còn có Myanmar, Bangladesh và các nước khác trong ASEAN.
PV: - Theo ông, Việt Nam ở thời điểm này đã sẵn sàng cho việc Samsung đầu tư vào và tận dụng được những cơ hội từ Samsung hay chưa?
TS Nguyễn Ngọc Ánh: - Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Cơ hội có nhưng thách thức cũng lớn. Điểm “nghẽn” là trên thị trường có quá nhiều cơ hội ngắn hạn, trong khi đó, để có thể tham gia vào mạng lước sản xuất toàn cầu lại cần cái nhìn dài hạn. Doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, vì những cơ hội ngắn hạn.
PV: - Có ý kiến cho rằng, để Samsung tham gia một số dự án tiềm năng và dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm, đặc biệt tham gia và ngành công nghiệp đóng tàu nhưng không chia sẻ kỹ thuật công nghệ, chỉ sử dụng nguồn lao động giá rẻ và dần dần sẽ chiếm thị phần ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không và lý do vì sao?
TS Nguyễn Ngọc Anh: - Tái cơ cấu ngày công nghiệp tàu thủy là câu chuyện phải bàn rất nhiều. Ngành đóng tầu nếu ta vẫn chỉ làm cái vỏ như hiện nay, thì họ không cạnh tranh được với ta. Nhưng nếu nhìn rộng ra, nếu Samsung đầu tư xây các dự án sản xuất các cấu phần của tầu tại Việt Nam, như sản xuất máy, động cơ, các thiết bị hàng hải, thì tại sao không?
Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia vào việc sản xuất và cung cấp các cấu phần, linh kiện cho các dự án này. Hi vọng ta có thể xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu. Vấn đề đặt ra là ta có làm được hay không? Có chính sách thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước làm được điều đó hay không?
Xin trân trọng cảm ơn ông!