Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ra mắt cuốn sách đầu tiên về các loài mây vùng Mekong

(19:52:22 PM 19/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 19/2, WWF và Vườn Thực vật New York phát hành một cuốn sách về 65 loài mây sống tại Việt Nam, Lào và Campuchia, trong đó có hai loài đặc hữu của Campuchia vừa mới được phát hiện.

 

 Cuốn sách nói về 65 loài mây sống tại Việt Nam, Lào và Campuchia...

 

Cuốn sách Hệ thống, Sinh thái và Quản lý Mây tại Campuchia, Lào và Việt Nam – Căn cứ sinh học để Sử dụng Bền vững là kết quả của quá trình tám năm nghiên cứu và đánh giá các quy trình quản lý về hướng dẫn quản lý và sử dụng mây bền vững tại ba nước.

 

“Chúng tôi vui mừng vì đã xuất bản được một cuốn sách trong đó khẳng định quản lý, sản xuất và thương mại bền vững mây là cách duy nhất để đảm bảo rằng ngành công nghiệp mây tre vùng Mekong sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai,” ông Lê Văn Đông, Cán bộ Quản lý Dự án Phát triển Mây bền vững tại Việt Nam, WWF-Việt Nam cho biết. “Chúng tôi hy vọng rằng nguồn tư liệu quí giá này sẽ được các nước Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng tham chiếu và sử dụng khi phát triển và thực hiện các kế hoạch quản lý mây.”

 

Mây là một trong những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ quan trọng nhất tại Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng. Rất nhiều loài mâyđang được sử dụng để hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương như thức ăn, vật liệu xây dựng nhà ở, các sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, các hoạt động chuyển đổi rừng và thu hoạch không bền vững đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng sản lượng mây, đe doạ tới sự phát triển và sự bền vững của ngành công nghiệp khai thác mây trong khu vực.

 

Ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Đông cho biết: “Nam Đông có tiềm năng phát triển mây rất lớn. Huyện kỳ vọng mây sẽ là một trong những sinh kế chính mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Nhưng để có thể quy hoạch và phát triển mây, chúng tôi cần rất nhiều thông tin về các loài mây địa phương như đặc điểm sinh học, cách xây dựng rừng mây giống, v.v. Chính vì thế, cuốn sách sẽ giúp ích cho Nam Đông rất nhiều trong việc lập kế hoạch và phát triển nghề cho địa phương.”

 

 

... trong đó có hai loài đặc hữu của Campuchia vừa mới được phát hiện.

 

Cuốn sách, đã có phiên bản tiếng Anh, Campuchia, Lào với phiên bản tiếng Việt sẽ ra mắt vào cuối tháng 4, ra đời với mục đích giúp các nhà nghiên cứu và những ai làm việc trong ngành khai thác mây có thể nhận dạng các loài mây, cách  đạt được sản lượng tối đa và sản xuất bền vững các nguồn mây. Cuốn sách cũng bao gồm các bài học kinh nghiệm, từ khâu lên kế hoạch quản lý và chế biến bền vững cho đến chính sách xuất khẩu.

 

“Chưa từng có cuốn sách nào trên thế giới tập hợp những nghiên cứu toàn diện nhất về các loài mây như cuốn sách này,” đồng tác giả cuốn sách Ts. Charles M. Peters, Cán bộ quản lý Thực vật học của The New York Botanical Garden, đồng thời là tác giả đứng đầu về quản lý rừng nhiệt đới, cho biết. “Điều đặc biệt ở cuốn sách đó là nó thể hiện được các vấn đề sinh thái, phân loại và lâm sinh của một nguồn tài nguyên rừng quý báu. Quan trọng nhất, chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng chúng ta không thể thu hoạch bền vững nếu như khai thác mây hàng nămvượt mức tăng trưởng hàng năm của cây mây có ở trong rừng.”

 

Đồng tác giả với Ts. Peters là Ts. Andrew J. Henderson, Cán bộ phụ trách họ Cọ tại The Botanical Garden, một tác giả hàng đầu về hệ thống, phân loại và sinh học của họ Cọ, trong đó bao gồm cả loài mây. Trong quá trình nghiên cứu thực địa cho dự án này, ông đã phát hiện và đặt tên cho hai loài mây mới của Campuchia.

 

Cuốn sách là kết quả hợp tác giữa The New York Botanical Garden và WWF-Greater Mekong, cùng với các cơ quan chính phủ liên quan và các đối tác phát triển. Sự hợp tác này đã đem lại những kết quả rất khả quan: các sản phẩm đầu tiên sử dụng nguyên liệu mây đạt chứng chỉ FSCtại Lào; thành lập Hội Mây tại Campuchia; và Chương trình Mây Việt Nam – những cơ chế rất quan trọng trong việc đảm bảo các nhà sản xuất cũng có lợi nhuận từ việc gia tăng nhu cầu các sản phẩm mây bền vững.

 

Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ: “UBND huyện đánh giá rất cao dự án Phát triển Mây bền vững. Nếu không có dự án thì A Lưới đến nay chưa trồng được mây vì huyện còn rất nghèo. Qua những chuyến tham quan, học tập do Dự án tổ chức, cán bộ và người dân hiểu được tầm quan trọng của mây trong việc góp phần ổn định thu nhập và bảo vệ rừng. Người dân A Lưới giờ rất yêu cây mây và nhận thức được rằng bảo vệ và khai thác bền vững cây mây là bảo vệ sinh kế lâu dài của họ.”

 

Thành tựu của WWF và các đối tác đạt được trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp mây phát triển bền vững tại Lào, Việt Nam và Campuchia và việc sản xuất cuốn sách này, đạt được một phần nhờ sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn IKEA, chương trình SWITCH-Asia của Uỷ ban châu Âu, và DEG – Hợp tác Phát triển Doanh nghiệp của Đức.

 

NGUYỄN PHƯƠNG NGÂN ( WWF-Việt Nam)