Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh chụp từ clip
Phim ngắn phê phán quan điểm lạc hậu của một bộ phận người dân rằng cao hổ không những là phương thuốc tốt mà còn là cách để “thể hiện” sự thành công hay địa vị của bản thân với bạn bè và đồng nghiệp.
Nhân vật chính của phim là một thành viên mới được bổ nhiệm của hội đồng quản trị. Để gây ấn tượng với các thành viên trong hội đồng, nhân vật này đã sử dụng cao hổ để làm quà tặng trong buổi ra mắt đầu tiên. Tuy nhiên, món quà đã không được đón nhận và không gây được ấn tượng tốt như anh ta mong đợi. Ngược lại, anh ta đã tự làm xấu đi hình ảnh của chính mình.
Ngoài thông điệp “sử dụng cao hổ không làm bạn ấn tượng hơn”, phim ngắn còn kêu gọi người dân thông báo các vi phạm về hổ tới các cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng miễn phí 1800 1522.
Hiện nay, rất nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là nam giới vẫn tin rằng cao hổ là một bài thuốc thần kì giúp chữa các bệnh về xương, cải thiện sức khỏe và tăng cường sinh lực. Ở Việt Nam, cao hổ cốt thường được dùng làm quà biếu trong giới doanh nhân, giới quan chức và những người giàu có, đặc biệt mỗi dịp Tết đến.
Trong vài thập kỉ trở lại đây, quần thể hổ trên thế giới đang giảm mạnh, chủ yếu là do bị săn bắn, buôn bán và mất môi trường sống. Theo thống kê, Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ sống trong tự nhiên. Kinh tế phát triển cùng với mức sống của người dân được nâng cao khiến cho nhu cầu tiêu thụ cao hổ ngày càng gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết: “Một số người vẫn tin rằng sử dụng cao hổ để chữa bệnh là thời thượng, là cách để thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải thức tỉnh, cần phải suy nghĩ và hành động dựa trên các cơ sở khoa học và phù hợp với thời đại văn minh. Những hành động và niềm tin vô căn cứ, như săn bắn và buôn bán hổ để làm thuốc cần phải được thay đổi.” Bà Dung cũng cảnh báo rằng hổ của Việt Nam có thể sẽ sớm phải chịu chung số phận với loài tê giác một sừng, loài đã bị Việt Nam tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2010.
Đây là phim ngắn thứ 18 trong chuỗi phim ngắn truyền thông nâng cao nhận thức nhằm giảm cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên. Phim ngắn sẽ được phát rộng rãi trên sóng của truyền hình trung ương và địa phương.