Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phó giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), nơi điều trị cho bệnh nhân, cho biết, ung thư tinh hoàn biểu hiện tại trung thất (khối u xuất hiện tại vùng nằm giữa lồng ngực) như bệnh nhân Việt là một trường hợp hiếm gặp. Bình thường, khối u xuất hiện tại chính vùng tinh hoàn. Đây cũng là lần đầu bệnh viện điều trị thành công cho một bệnh nhân bị ung thư dạng này.
Tháng 4/2007, khi thấy có biểu hiện đau ngực, Việt khám tại một bệnh viện ở Hà Nội thì được biết mình bị u trung thất (khối u nằm sâu trong lồng ngực). Ở giai đoạn sớm của bệnh thì u lành tính chiếm tỷ lệ đến 95%, vì thế các bác sĩ quyết định mổ lấy u.
Tuy nhiên, khi phẫu thuật, do khối u quá lớn, xâm lấn ngay sát các mạch máu chính nên các bác sĩ không thể cắt bỏ khối u, chỉ lấy mô bệnh để làm sinh thiết. Điều bất ngờ là kết quả lại cho thấy Việt bị ung thư tinh hoàn biểu hiện tại trung thất và được "trả" về nhà.
Những tháng ngày sau đó với cậu và gia đình là một chuỗi những tuyệt vọng, bi quan bởi lẽ cơ hội sống của cậu gần như không còn. Những cơn đau ngực xuất hiện nhiều và dữ dội hơn.
Ngày 22/7, khối u chèn áp vào phổi khiến cậu không thể thở nổi. Cậu đã nghĩ có lẽ đó là ngày cuối cùng của mình. Nhưng hy vọng một lần nữa lại được thắp lên khi gia đình đưa cậu đưa đến Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai).
Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân có khối u thành ngực trái kích thước 5x6 cm, bị tràn dịch màng phổi phải. Ngoài ra không có tổn thương di căn đến xương, tinh hoàn hai bên đủ, không thấy tổn thương u.
Vì thế, Việt được chỉ định điều trị bằng hóa chất. Sau 4 đợt điều trị hóa chất, tổn thương u vùng ngực đã thu nhỏ nhiều, chỉ còn lại tổn thương xơ hóa sau điều trị. Sau đó, cậu tiếp tục được điều trị xạ trị để tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại, đề phòng tái phát và giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Tháng 4/2008, Việt kết thúc quá trình điều trị và trở về nhà sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn định kỳ tái khám. Cho đến nay (sau hơn 2 năm), tất cả các lần tái khám đều không thấy xuất hiện tổn thương tái phát hoặc di căn xa.
"Việc điều trị thành công cho bệnh nhân Việt cho thấy tầm quan trọng trong việc phát hiện và điều trị sớm căn bệnh ung thư. Nếu chúng ta sàng lọc phát hiện ung thư sớm thì cơ hội sống cho bệnh nhân sẽ được kéo dài hơn", Phó giáo sư Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.