Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trao đổi với Đất Việt, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng tỏ ra vô cùng bức xúc trước việc góp ý của địa phương không được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đếm xỉa, trong khi nếu cứ áp quy trình đã soạn thảo thì khu vực hạ du của thủy điện Đăk Mi 4 chắc chắn bị thiếu nước trong mùa cạn.
Quy trình mùa cạn coi như xong, xin góp ý mùa lũ
Theo ông Thắng, tháng 7/2013 UBND TP Đà Nẵng đã gửi góp ý dự thảo về quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 do Bộ TN-MT soạn thảo. Theo đó UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị Bộ TN-MT sửa nội dung dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, dự thảo quy trình đã khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Nghĩa là mỗi năm lấy 1 tháng có dòng chảy trung bình thấp nhất, bất kể rơi vào tháng nào (có thể tháng 3, 6 hay 7).
“Đây cũng đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng”, ông Thắng phân tích.
Ông Huỳnh Vạn Thắng cho rằng, khi khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa bằng 2,53m có nghĩa là gần như thủy điện Đăk Mi 4 sẽ không xả trả lại cho sông Vu Gia bất chấp hạ du thiếu nước, ngoại trừ 5m3/s để duy trì dòng chảy trên đoạn sông chết từ thủy điện Đăk Mi 4 đến Bến Giằng (huyện Nam Giang, Quảng Nam).
“Chúng tôi đã góp ý nhưng không hiểu sao Bộ Tài nguyên và Môi không chịu tiếp thu. Lần này lại gửi văn bản đề nghị Đà Nẵng góp ý quy trình trong mùa lũ còn trong mùa khô coi như xong rồi mà nội dung vẫn giữ nguyên như cũ”, ông Thắng bức xúc.
Các địa phương ngày càng dè chừng với thủy điện
Do đó “chúng tôi đã góp ý lại với Bộ rằng không chỉ mùa lũ mà cả mùa khô cũng cần Bộ TN-MT lưu tâm xem xét sửa đổi quy trình để giảm tổn thất do thiếu nước hạ du”.
Theo ông Thắng, nếu cứ áp như quy trình vừa qua thì mùa cạn lại ép hạ du vào thế khó khăn, luôn luôn thiếu nước, trong khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định nhiều lần khi xây dựng quy trình phải đặt ưu tiên hạ du lên hàng đầu.
“Không hiểu sao Bộ TN-MT lại dám làm điều kỳ lạ như vậy, song địa phương vẫn hy vọng Bộ chỉnh sửa trước khi trình Thủ tướng phê duyệt”, ông Thắng hy vọng.
Soạn quy trình luôn có lợi cho thủy điện
Theo ông Thắng, từ trước đến nay, việc lập quy trình vận hành liên hồ địa phương chỉ được góp ý mang tính chất tham gia còn Bộ vẫn là người quyết. Do vậy Đà Nẵng đã nhấn mạnh: “Nếu như cứ áp theo quy trình này thì Đà Nẵng sẽ có những giải pháp để giải quyết tranh chấp nguồn nước, đưa ra tòa án theo quy định. Chúng tôi sẽ kiện người soạn thảo ra quy định này gây hại cho người dân vùng hạ du”, ông Thắng nói thẳng.
Không riêng gì quy trình vận hành liên hồ mùa cạn, mà với mùa lũ ông Thắng cũng nói rõ là quy trình xây dựng luôn có lợi cho thủy điện.
Minh chứng cho nhận định này, ông Thắng nhắc lại một điểm mà trong quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ có thực hiện đúng thì người dân hạ du cũng “hứng đủ” lũ.
Đó là quy trình vận hành hồ chứa mùa lũ quy định dự báo xả lũ trong 24h thế nhưng ông Thắng cho rằng chỉ là ép vào chứ không thể thực hiện được vì quá vô lý. Lý do là vì nó chỉ được thực hiện được ở hồ thủy điện lớn như sông Đà, Sơn La vì khả năng dự báo có thể kéo dài được 24h thì dự báo hoàn toàn chính xác.
Còn thủy điện miền Trung lại nằm ngay trên thượng nguồn, sông lại gấp nên không thể dự báo trong 24h được. Khi lũ lớn đến thì hạ hồ nước tạo dung tích để lũ đến cắt bớt đỉnh lũ. Nhưng như trận bão hồi tháng 11/2013 thì chỉ có 6 tiếng đồng hồ đã gây lũ. Nhưng thực ra sau 2 tiếng đồng hồ đỉnh lũ đã xuất hiện.
“Như vậy thì không ai thực hiện được theo như quy trình. Khi đó người ta chỉ biết đỉnh lũ đến là thủy điện xả lũ để đón đỉnh lũ nhưng cũng không kịp vì chỉ sau 2 tiếng đỉnh lũ đã về, kết hợp với cả lũ nhân tạo từ thủy điện xả ra. Như vậy thì không có cách gì để gọi là thủy điện tham gia cắt lũ mà là xả lũ chồng lũ thì đúng hơn”, ông Thắng nêu.
Thực tế này đúng là đã xảy ra khi cơn bão số 15 hồi tháng 11/2013 xảy ra gây lũ đến bất ngờ. Thiệt hại của người dân là có thật, song phía chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 vẫn cho rằng họ làm đúng quy trình.
“ Do vậy riêng Đà Nẵng và Quảng Nam đã phải đề nghị trong mùa lũ thủy điện phải luôn luôn giữ mực nước thấp và khi nước lũ đến mới tích thêm một phần. Còn nếu cứ giữ mực nước cao sau đó báo là có lũ đến mới hạ, trong khi không dự báo được cách 24h nên khi xả nước ra là trùng với lũ về”, ông Thắng nói.
Nhìn lại thời gian qua những gì mà thủy điện mang lại, ông Thắng cho rằng: “Địa phương có thủy điện đã thấu hiểu những rắc rối mà thủy điện đem lại. Do vậy chúng tôi không thể im lặng ngồi nhìn được nữa”.