Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cần đến gặp bác sĩ khi chảy máu hoặc sưng răng miệng. Ảnh: M.Khang.
Theo tiến sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hiện trên 90% người trưởng thành ở Việt Nam gặp các vấn đề liên quan đến lợi và phần xung quanh răng.
Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa Nha chu,Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Bệnh thường khởi phát từ bệnh viêm lợi. Lợi của người bệnh đỏ, dễ chảy máu khi đánh răng. Bệnh thường tiến triển thầm lặng, nhất là trong giai đoạn đầu nên người bệnh ít chú ý. Ở giai đoạn này, lợi bị sưng to rồi tự xẹp xuống làm người bệnh lầm tưởng là tự lành. Tuy nhiên, khi đã bị viêm lợi mà không điều trị kịp thời, tổn thương sẽ tiếp tục tiến triển xuống sâu dưới lợi, phá hủy tổ chức quanh răng ở phía dưới, dẫn đến viêm quanh răng.
Theo tiến sĩ Trịnh Đình Hải, khoảng 30% - 35% người trong độ tuổi từ 35 trở lên mắc bệnh nha chu. Tác nhân hay gặp nhất là vi khuẩn ở mảng bám răng. Các mảng bám này sẽ là chất tựa hữu cơ để các vi khuẩn có trong khoang miệng bám vào định cư và phát triển, gây ra viêm lợi, sâu răng... Ngoài ra, có một số yếu tố, nguy cơ làm nặng thêm bệnh nha chu như bệnh tiểu đường, HIV, sức đề kháng bị giảm sút hoặc các yếu tố tại chỗ như răng lệch lạc, hàn răng, nắn chỉnh răng...
Phòng bệnh bằng vệ sinh răng miệng Theo tiến sĩ Thắng, bệnh nha chu phá hủy mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, gây ra tình trạng lung lay răng và mất răng, hạn chế ăn uống và ảnh hưởng đến sức khỏe nhai. Ngoài ra, đây cũng là ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng, là nguy cơ gây ra nhiều bệnh toàn thân nguy hiểm như bệnh tim mạch, viêm khớp, các bệnh về thận, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, bệnh nha chu còn gây hôi miệng, gây khó khăn cho người bệnh trong khi giao tiếp.
Để điều trị bệnh nha chu, các bác sĩ khuyến cáo nên phát hiện và điều trị sớm từ khi bệnh mới khởi phát. Lúc này, chỉ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, làm sạch mảng bám, lấy cao răng và kiểm soát sự phát triển của mảng bám răng. Còn nếu đã có tổn thương sâu đến xương ổ răng, có xuất hiện túi lợi bệnh lý thì cần giải quyết bằng cách nạo túi lợi, phẫu thuật quanh răng.
Tiến sĩ Trịnh Đình Hải khuyến cáo, bệnh nha chu có liên hệ chặt chẽ với các mảng bám răng. Vì vậy, để phòng bệnh nha chu trước tiên cần giải quyết mảng bám răng. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là thói quen vệ sinh răng miệng. Cần đánh răng với kem đánh răng, sử dụng các loại nước súc miệng để kìm hãm mảng bám răng, lấy cao răng 3 - 6 tháng một lần. Khi đánh răng, nên xoay tròn bàn chải hoặc đánh theo chiều dọc để loại trừ hết mảng bám ở giữa các kẽ răng. Từ độ tuổi trung niên trở lên, nên dùng chỉ tơ nha khoa để vệ sinh răng miệng.