Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Những người giữ hồn Xoan

(09:52:02 AM 15/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tiếng hát của những “cổ thụ” gìn giữ hồn Xoan cổ trên đất Vua Hùng vẫn tròn, giọng nói vẫn đủ thanh và từng điệu lượn vẫn mềm để tạo thành những làn điệu Xoan độc đáo.


Chiều xuân trên mảnh đất trung du tĩnh lặng, những làn điệu Xoan mượt mà níu chân du khách: "Năm trống cơm thiên hạ thái bình/ Năm trống cơm mọi nhà no đủ/ Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ Được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống (trích trong Giáo trống). Ít ai nghĩ rằng, những làn điệu Xoan ấy được cất lên bởi giọng hát của nghệ nhân Lê Thị Đá, năm nay đã 105 tuổi. Là con một đào Xoan nổi tiếng, nên từ bé cụ đã “ngấm” những điệu cài huê, mó cá… Lớn lên, cụ Đá đi lấy chồng, bố chồng cũng là một trùm phường Xoan danh tiếng, nên lời Xoan của cụ càng có cơ hội được rèn giũa. Hát Xoan từ nhỏ, đến nay cụ Đá đã có tới hơn 90 năm hát Xoan.


Cụ Đá cho biết: Ngày xưa chúng tôi đi hát Xoan vui lắm, thậm chí tôi còn trốn chồng đi hát Xoan. Cụ Đá có 5 người con gái nhưng chẳng ai theo được Xoan. Cụ bộc bạch: "Dao sắc không gọt được chuôi", trong 5 đứa con gái của tôi thì có mỗi cô út là mê hát nhưng lại phải bỏ dở vì bệnh hen, tôi tiếc lắm. Mặc dù đã 105 tuổi nhưng tình yêu với hát Xoan của cụ Đá chưa lúc nào vơi. Hát Xoan với cụ không chỉ là giữ nghiệp tổ tông mà còn là niềm vui của đời người. Ngôi nhà của cụ Đá là chốn tìm về của nhiều đoàn, nhiều người đến học hát, nghiên cứu, tìm hiểu…
Cả đời hát Xoan, mê Xoan, bao lớp học trò đã được cụ Đá truyền dạy. Năm 2010, cụ đã được Nhà nước phong danh hiệu nghệ nhân hát Xoan. Dù hiện nay không còn trực tiếp đứng lớp, truyền dạy hát Xoan, song những ai đến hỏi cụ về Xoan, cụ luôn sẵn sàng chỉ bảo. Suốt cuộc đời mình, cụ không nhớ đã có bao nhiêu học trò đã học hát Xoan. Sau nhiều năm, mạch ngầm Xoan chảy mãi cùng các thế hệ học trò của cụ. Đến nay, nhiều người trong lớp học trò của cụ đã tiếp tục việc truyền dạy hát Xoan như cụ đã từng làm.

Bà Lê Thị Nhàn, phường Xoan Thét, xã Kim Đức cho biết: Được cụ Đá và các nghệ nhân lớp cao tuổi truyền dạy nghệ thuật hát Xoan, chúng tôi cảm nhận được làn điệu Xoan cổ của ông cha rất ý nghĩa và sâu sắc. Từ ngày tôi được học cụ Đá đến nay đã gần 50 năm nhưng từng làn điệu cụ dạy tôi vẫn khắc cốt ghi tâm. Tôi đang truyền những tinh túy của nghệ thuật hát Xoan cho thế hệ trẻ.

 

Ảnh minh họa


Về phường Xoan An Thái, chúng tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Hải vốn làm trùm phường Xoan An Thái. Khi chúng tôi nói tới việc Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại -hát Xoan Phú Thọ” (giai đoạn 2013-2020) đôi mắt cụ bừng sáng. Cụ không giấu được niềm vui: Nhà nước quan tâm tới Xoan như vậy, chúng tôi rất mừng vì Xoan sẽ được bảo tồn và lưu truyền. Ở tuổi gần 90, tiếng hát của cụ vẫn tròn, giọng nói vẫn thanh và đôi tay vẫn uyển chuyển để chuyển tải những làn điệu Xoan độc đáo. “Ngày xưa tôi thường dạy học trò theo lối truyền khẩu. Tôi hát, múa từng lời Xoan để học trò nghe và hát theo. Sau đó tôi và các trò cùng hát"- Cụ Hải cho biết.Nói rồi cụ luyến láy câu hát: Dân thời khang cường khích ngưỡng/ Là thuận lòng trời, ngày nắng đêm mưa (Giáo pháo). Cụ vốn là cháu nội của trùm Xoan Nguyễn Văn Nhuận. Ngay từ khi tóc còn để chỏm, cụ đã cùng các đào, kép trong phường múa hát Xoan trong những ngày xuân. Cứ thế, những câu Xoan đã ngấm vào cụ từ lúc nào. Đam mê Xoan, cụ đã truyền tình yêu với hát Xoan cho các thế hệ học trò.


Với nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội, trùm phường Xoan Phù Đức, những ngày đầu xuân là những ngày tất bật với việc tham gia trình diễn và dạy hát Xoan cho các em nhỏ. Sân nhà ông vào buổi tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần lúc nào cũng đông các cháu học sinh đến học hát Xoan. Ông Hội cũng gắn bó với Xoan khi mới 13 tuổi.Tham gia kháng chiến rồi trở về quê hương, ông luôn gìn giữ vốn cổ mà cha ông truyền lại để đào tạo cho thế hệ sau. Năm 1990 ông cùng một số nghệ nhân trong xã quyết tâm sưu tầm những tài liệu để khôi phục di sản hát Xoan. Ông Hội cho biết: Trong thời gian này chúng tôi đã và đang tiếp tục duy trì triển khai truyền dạy cho các lớp nghệ nhân kế cận. Chúng tôi giữ nguyên bản Hát Xoan theo nguyên bản thời xưa, đúng theo nghi lễ. Theo ông Hội, bảo tồn di sản Hát Xoan không khó, chỉ cần có tình yêu thì dù nghìn năm nữa, Xoan vẫn được giữ gìn như thủa ban đầu. Những nghệ nhân như ông đang truyền lửa đam mê cho lớp trẻ để câu Xoan ngân vang mãi.


Em Nguyễn Thanh Tùng, xã Kim Đức vui vẻ cho biết: Tối nào cháu cũng đến nhà ông để học hát Xoan. Tuy học hát Xoan hơi khó nhưng càng học càng ham mê. Cháu đã học qua nhiều làn điệu như thơ nhàng, đóng đám …


Từ tình yêu Xoan và ý thức giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, những người như cụ Đá, cụ Hải, ông Hội đã và đang “giữ hồn” Xoan cổ. Để các thế hệ trẻ trên đất Vua Hùng hôm nay thêm yêu hát Xoan, trân trọng và cùng giữ gìn làn điệu Xoan đến muôn đời.

TTXVN