Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa IE
Phần lễ được tổ chức trong không khí nghiêm trang. Từ sáng sớm, dân làng đã cử một đoàn người gồm: Thầy cúng, đội trống, chiêng, khèn và các cô, các chị… đi lên ngọn núi Pản Phố - nơi có nguồn nước trong nhất bản - rước về dự hội. Đất được chọn ở những vùng đất màu mỡ. Lễ rước đất, rước nước do các chàng trai, cô gái chăm chỉ, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất tại địa phương được chọn lựa ở các làng đảm nhiệm.
Đi đầu đoàn rước là thầy cúng. Thầy được coi là người giữ vai trò sứ giả trong giao tiếp với các vị thần linh. Trong tay thầy cầm cây nêu - biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở - rước đến địa điểm diễn ra lễ hội. Tiếp theo là kiệu rước Nước và các mâm lễ. Nước được đựng trong hai ống bương to, tượng trưng cho ống bố, ống mẹ. Tiếp đến là kiệu rước Đất - hồn mẹ Đất được lấy từ trên đỉnh núi cao thiêng liêng. Sau đó là đến các mâm lễ để dâng các vị thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn bên trong đựng các loại hạt giống do các cô, các chị kỳ công làm ra; các mâm xôi ngũ sắc; gà luộc; hoa quả… đều là những sản vật tinh túy của mùa màng, thành quả sản xuất của dân bản trong năm. Đội chiêng trống đi hai bên thầy cúng nổi chiêng trống.
Sau hồi làm lễ, người chủ hội sẽ chia đất và nước thành nhiều phần để các làng mang về, đất được rải trên đất nông nghiệp trong làng, nước được đưa về gia đình sử dụng, cầu mong đất mới, nước mới mang lại một năm may mắn, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng có sức khỏe.
Bên rừng mận Tam hoa nở trắng, người Tày bước vào phần hội với những màn xòe điệu nghệ của các cô gái, chàng trai. Khi các màn xòe kết thúc là các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh tu lu (con quay), chọi gà, chọi trâu (bằng bắp bi chuối và măng), ném còn… bắt đầu. Dù là ngày hội của người Tày nhưng các dân tộc khác trong vùng cũng đến dự rất đông vui.
Đối với người Tày ở Bản Hồ (Sa Pa), lễ rước nước, rước đất thường diễn ra vào ngày đẹp trong tháng Giêng hằng năm, thường từ mùng 8 đến Rằm tháng Giêng. Đoàn rước bao giờ cũng đi từ rất sớm khi trời còn chưa rõ mặt người. Trong đoàn gồm có: Thầy cúng, đội trống, đội khèn, hai đôi nam nữ chưa vợ chưa chồng khiêng kiệu rước. Kiệu rước được trang trí sặc sỡ nhiều mầu theo biểu tượng âm dương ngũ hành. Phần lễ có đôi chút khác biệt, tuy nhiên về cơ bản vẫn giữ nguyên tinh thần chính của nghi thức đó là biểu thị tín ngưỡng cầu nước và đất nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân để cầu cho muôn dân được một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…
Lào Cai có 25 dân tộc chung sống, mỗi dân tộc một bản sắc văn hóa riêng. Một năm Lào Cai có trên 30 lễ hội, trong đó tháng Giêng có đến 70% các lễ hội. Đây là điểm nhấn thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Lào Cai. Theo ông Ma Thanh Sợi, người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, nghệ nhân chuyên nghiên cứu và sưu tầm văn hóa dân gian của người Tày thì đây là lễ chính, to và quan trọng nhất trong phần lễ hội đầu năm của người Tày Lào Cai.