Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hòn Trống - Mái -Ảnh IE
Ông Đinh Ngọc Diệp, hội viên Hội Văn nghệ Thanh Hóa, tác giả của bài thơ tình nổi tiếng về Hòn Trống-Mái cho biết: Tôi sống ở đây từ rất lâu và thường xuyên đến chiêm ngưỡng danh thắng này. Đã bao nhiêu năm nay bất kể nắng mưa, bão, hòn Trống Mái vẫn vững vàng. Tuy nhiên những năm gần đây hòn Trống-Mái có dấu hiệu bị xê dịch. Điều nguy hiểm hơn là chỉ cần một lực đẩy của người có sức khỏe trung bình cũng có thể làm hòn Trống bị rung lắc. Một điểm đáng chú ý là phía dưới hòn Mái có cây ổi dại mọc lên. Cây ổi này cũng có thể làm cho hòn Mái bị đội lên so với vị trí ban đầu. Để bảo vệ di tích, những người làm du lịch ở khu vực hòn Trống-Mái đã lấy xi măng chèn lại để ngăn hòn Trống bị trượt.
Trước thực trạng trên, UBND thị xã Sầm Sơn đã tổ chức khảo sát thực tế, tiến hành hội thảo để tìm hướng giải quyết và đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Xây dựng, thị xã Sầm Sơn nghiên cứu đưa ra hướng giải quyết. Theo ông Viên Đình Lưu Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc đưa ra hướng xử lý tình trạng trượt dần của hòn Trống-Mái cần có cơ quan chức năng có chuyên môn sâu về địa chất khảo sát nghiên cứu tính toán về trọng lực và khả năng dịch chuyển của hòn Trống-Mái trong thời gian tiếp theo. Từ đó đề ra hướng giải quyết hợp lý, bởi hòn Trống-Mái là danh thắng thuộc Cụm di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng núi Trường Lệ, đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích - danh thắng cấp quốc gia từ năm 1962. Đây cũng là một trong những biểu tượng của tỉnh Thanh Hóa.
Trong khi chờ đợi giải pháp xử lý khoa học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn nghiêm cấm tác động của người dân lên hòn Trống-Mái như không được chèn vật dụng vào hòn Trống-Mái, đồng thời phải có giải ngăn cách để người dân không tự ý trèo vào khu vực hòn Trống-Mái, tác động lên hòn Trống-Mái nhằm đảo bảo an toàn cho di tích này cũng như an toàn cho khách đến tham quan. Bên cạnh đó, thị xã Sầm Sơn cũng đã chặt bỏ cây ổi dại ở phía dưới hòn Mái nhằm tránh hiện tượng rễ cây phá hoại di tích.