Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ô nhiễm không khí trong nhà (indoor air pollution) là thuật ngữ chỉ ô nhiễm không khí bên trong hoặc xung quanh một tòa nhà, một công trình (có thể hiểu thuật ngữ “trong nhà” (indoor) ở đây là trong nhà riêng hoặc trong văn phòng làm việc, trường học… )
Một nghiên cứu ước tính, trẻ em trung bình dành 85 phần trăm thời gian ban ngày trong nhà và trong vườn trẻ hay trường học. Tỷ lệ này giảm dần theo độ tuổi.
Phần lớn, khả năng phơi nhiễm độc tố ở trẻ em cao hơn người lớn đối với các độc tố dạng khí. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường thở nhanh hơn người lớn, làm tăng khả năng phơi nhiễm với bất kỳ độc tố nào trong không khí. Hơn thế, trẻ còn thường thở bằng miệng, không qua cơ quan lọc khí bụi ở mũi khiến độc tố thâm nhập vào sâu trong phổi.
Các chất độc điển hình gây ảnh hưởng đến trẻ nhiều nhất là Carbon Monoxide – CO, Formaldehyde và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs)…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ của một số độc tố trong nhà cao hơn rất nhiều so với nồng độ ngoài trời. Đối với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, sự phơi nhiễm trong nhà cao hơn từ 2 – 5 lần so với ngoài trời.
Trường hợp phơi nhiễm cao nhất, như trong hoặc sau khi tẩy sơn, nồng độ độc tố này cao gấp hàng nghìn lần bên ngoài.
Các nghiên cứu theo phương pháp đánh giá sự phơi nhiễm tổng thể của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa kỳ (TEAM) chỉ ra 18 hóa chất, độc tố trong nhà có nồng độ trung bình cao từ hai đến hai mươi lần nồng độ ngoài trời. Những người đang mặc hoặc đang lưu trữ quần áo mới giặt khô, khả năng phơi nhiễm độc tố từ Tetrachloroethylene – hóa chất dùng trong giặt khô - sẽ cao hơn.
Dẫn đầu danh sách độc tố là CO. Ở nồng độ cao, khí này gây nôn, bất tỉnh và có thể dẫn đến tử vong. Với thai nhi, sản phụ nhiễm độc tố CO có thể khiến thai nhi thiếu cân, nặng nữa là liệt não và giảm nhịp tim.
Với trẻ sơ sinh, CO có thể gây hôn mê, da xanh tím, ho, đau ngực, viêm phổi, nặng nhất là đột tử.
Với trẻ em trên 2 tuổi, CO nồng độ thấp có thể gây ra các triệu chứng buồn ngủ, uể oải, hôn mê, đau đầu… Về lâu dài, CO khiến trẻ suy yếu thể lực, thay đổi hành vi, hay quên và suy yếu về nhận thức.
Các vật dụng sản sinh CO trong gia đình là bếp gas, lò sưởi không có hệ thống thông hơi, bộ đun nước, máy sấy, tủ lạnh... Bếp gas, lò sưởi, lò nướng xách tay cũng thải ra một lượng CO ở mức độ nguy hiểm.
Các thiết kế garage bất cẩn cũng có thể dẫn khí độc CO từ ô tô, xe máy không tải vào khu vực sinh sống. Hút thuốc sản sinh 40,000 mg CO/kg không khí (ppm). Nồng độ này nguy hiểm hơn đối với đối tượng hút thuốc gián tiếp và đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Trong một đám cháy, nồng độ CO ở mật độ 10,000 ppm có thể khiến người lớn chết ngạt. Nồng độ này, theo nhiều chuyên gia y tế, con người chỉ được phép hấp thụ tối đa 25 ppm.
Tác hại không kém khí CO là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) – độc tố trong nhà có nồng độ cao gấp nhiều lần so với nồng độ ngoài trời - bao gồm nhiều hợp chất hóa học có thể gây các bệnh cấp tính và mãn tính.
VOCs có nhiều trong sơn, chất tẩy sơn, thuốc trừ sâu, thuốc tẩy quần áo, thuốc diệt côn trùng, thiết bị làm sạch không khí… Rèm bằng chất dẻo hoặc nhựa dùng trong nhà tắm và các sản phẩm nhựa khác cũng sản sinh ra một lượng VOCs đáng kể trong vòng một tháng sử dụng.
Một trong các loại VOCs được nhắc đến nhiều nhất là Formaldehyde – chất được sản sinh từ các sản phẩm gỗ ép và các sản phẩm giấy (bao gồm giấy ăn, khăn giấy, giấy văn phòng ít carbon…) – gây các bệnh về mắt, mũi, họng, về lâu dài có thể ủ mầm ung thư, đặc biệt ung thư các cơ quan hô hấp.
Dù được nhắc đến như một chất khí, nhưng Formaldehyde có thể gây nhiễm độc qua đường miệng hoặc thẩm thấu qua da.
Thực hiện một nghiên cứu công phu về ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em, các nhà khoa học thuộc Viện Y học Độc tố của Mỹ (the American College of Medical Toxicology) cũng phải thừa nhận trong số 3,000 thuốc trừ sâu được sản xuất tại Mỹ ở khối lượng hơn 01 triệu pound/năm (tương đương hơn 450,000 kg), chưa đến 7 phần trăm được nghiên cứu đầy đủ các tác động lên sức khỏe con người.
Nguy cơ tiềm tàng đối với trẻ em ngay trong chính mái ấm của mình cần được nhìn nhận đúng đắn. Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ khuyến nghị rằng các chính phủ nên chăng có hành động thiết thực hơn để bảo vệ trẻ khỏi các độc tố trong nhà, ví dụ như thiết lập một tiêu chuẩn giới hạn hàm lượng hóa chất bay hơi từ các sản phẩm sử dụng trong nhà như sản phẩm và nội thất gỗ ép, sơn, chất tẩy và chất diệt côn trùng…
(Nguồn: Nghiên cứu về ô nhiễm không khí trong nhà ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em của các nhà khoa học thuộc Viện Y học Độc tố của Mỹ, website Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ)