Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cần sớm xác định và tạo điều kiện để người dân bảo tồn loài rùa Trung bộ

(09:46:44 AM 14/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Tại thị trấn Hai Riêng, huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) hiện có một trại nuôi rùa của hộ ông Phạm Ngọc Hoàng. Theo ông Hoàng, đây là giống rùa Trung bộ- môt loài động vật hoang dã, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.

( Ảnh minh họa )

 

Hiện, trại nuôi rùa của ông Hoàng có 190 con, trong đó 30 con rùa mẹ trọng lượng từ 1,3 – 2kg; 20 con từ 0,6 – 1,5 kg; 50 con từ 0,2 – 0,5kg; 50 con gần 0,2 kg và 40 rùa con từ 3 đến 4 tháng tuổi. Ông Hoàng cũng cho biết: Trước năm 2000, trong những chuyến đi làm ăn xa, ông thấy nhiều trẻ em dân tộc nghịch chơi rùa trước nhà.Ông đã mua 6 con rùa nhỏ về thả, nuôi chung với ba ba trong bể xi măng. Sau một thời gian, ba ba chết hết nhưng rùa vẫn sống khỏe mạnh. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư chăm sóc rùa cho đến hôm nay. Trước đây, kinh tế khó khăn, ông Hoàng chỉ cho rùa ăn mít chín, quả trứng cá rụng trong vườn nhà nên rùa chậm phát triển. Nay có điều kiện hơn, ông cho rùa ăn cá, ruột gà… chúng phát triển rất nhanh và đẻ trứng đều đặn. 

 

Theo ông Hoàng, loại rùa ông đang nuôi là rùa Trung bộ vì có 4 đặc trưng để nhận biết: Đường viền từ mũi chạy ngang qua mắt, chạy dài đến cổ rùa có màu xanh. Trên đầu rùa có một viền màu xanh xậm hình chữ V. Dưới bụng rùa, màu đen chiếm tới 80% và con mắt có 3 sọc, gồm hai sọc xanh hai bên, một sọc đen ở giữa. Giống rùa này hiện còn rất ít ngoài tự nhiên. Có thể đây là giống rùa quý hiếm mà thời gian gần đây nhiều người đi rao bán với giá hàng trăm triệu đồng. Rùa đực thường đắt gấp 4 lần rùa cái với giá trên dưới 400 triệu đồng/kg. 

 

“Hiện rất nhiều người tìm đến và đồng ý mua nhưng do thiếu giấy chứng nhận nên người ta vẫn còn ngại và tôi cũng không dám bán… Họ bảo nếu có giấy tờ hợp lệ họ sẽ mua đến 20 chục triệu đồng đối với rùa con cỡ 10 ngày tuổi”- Ông Hoàng cho biết. 

 

Ngày 5/8/2013, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh xem xét, cấp giấy chứng nhận trại chăn nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đối với loài rùa tại trại nuôi rùa của ông Phạm Ngọc Hoàng, nếu đáp ứng được điều kiện theo quy định. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa thành hiện thực. 

 

Nguyện vọng của ông Hoàng là cơ quan chức năng kiểm tra, cấp “giấy khai sinh” cho 190 con rùa để ông được chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống cho người dân cùng nhân nuôi, góp phần bảo tồn loài động vật hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng này. 

 

Ông Lê Văn Bé, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết, đang đề nghị ông Phạm Ngọc Hoàng làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận trại chăn nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng rùa trong thời gian sớm nhất. 

 

Loài rùa Trung bộ đang được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt vì tính đặc hữu, có khu vực phân bố rất nhỏ hẹp và hạn chế. Hiện rất hiếm gặp cá thể loài này trong tự nhiên. Một điều rất đáng quan tâm là loài rùa Trung bộ chỉ được tìm thấy ở vùng đất ngập nước ở miền Trung Việt Nam từ Đà Nẵng vào đến tỉnh Phú Yên. Theo các nhà khoa học, loài rùa Trung bộ này đang trên bờ tuyệt chủng do bị mất nơi cư trú và kiếm ăn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc chuyển đổi nhanh chóng các vùng đất ngập nước nội địa trong tự nhiên thành đất nông nghiệp, hoặc ô nhiễm môi trường trong quá trình đô thị hóa. 

 

Mặc dù đuợc bảo vệ bởi pháp luật của Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, nhưng trên thực tế loài rùa Trung bộ vẫn bị truy lùng, săn bắt ráo riết và buôn bán trái phép. Cho đến nay, chưa có ghi nhận nào về rùa Trung bộ ở các khu bảo tồn thiên nhiên đã được khoanh vùng; điều này làm tăng thêm mức độ cấp bách của việc cần thiết phải bảo vệ môi trường sống cho loài rùa Trung bộ - loài vật quý hiếm đang dần biến mất.

( TTXVN )