Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Giờ đây nói đến các quy trình chăm sóc nấm, ông Nguyễn Văn Tuyên, thôn 9, xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hóa thuộc nằm lòng. Sau 3 năm đóng bịch, cấy giống rồi chăm sóc nấm ông đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Giờ ông không phải mua giống nữa, mà tự phân lập nhân giống được nấm linh chi, nấm sò…
Luôn sáng tạo khi làm việc
Thôn ông Tuyên ở vốn đất chật người đông, vì vậy những ngày đầu trồng nấm, ông phải làm giàn nhờ trên đất của bà con làng xóm. “Khi đó, tôi cũng chỉ nghĩ, tranh thủ lúc nông nhàn và nguyên liệu rơm rạ sẵn có ở địa phương, làm để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Không ngờ, vụ thu hoạch nấm đầu tiên, nhà tôi bán hết veo” - ông Tuyên nhớ lại.
Ông Tuyên kiểm tra sự phát triển của nấm.
3 tháng sau, một lứa nấm mới lại được thu hoạch, tư thương đến tận nhà ông mua hàng. Mừng hơn cả là làm nấm một vốn bốn lời. Ông Tuyên đã mạnh dạn bàn với gia đình mở rộng nghề trồng nấm. Ai cũng nghĩ việc đó là cần thiết, nhưng khi bàn đến phương án mua đất để dựng nhà làm nấm, ông Tuyên mới té ngửa.
Từ trước tới nay, ông làm ra được đồng nào là lo cho gia đình và con cái học hành hết đồng ấy. Tiền vào cửa trước đã ra cửa sau nên ông chẳng tích lũy được gì. Cái khó ló cái khôn, ông tiếp tục thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài bằng cách cứ sau mỗi lứa nấm, ông dành ra một khoản tiền nhỏ. Những nhà nấm ông dựng quanh nhà và dựng nhờ trên đất của bà con làng xóm được ông quay vòng sản xuất tối đa. Sau 1 năm “ăn ngủ” với nấm, ông cũng thu được số tiền kha khá, tự đưa gia đình mình khỏi danh sách hộ nghèo của thôn.
Có chút lưng vốn, ông mạnh dạn đến UBND xã Thiệu Khánh thuê lại khu đất rộng 8.000m2 ở cuối thôn 2. Khu đất này bà con bỏ hoang đã nhiều năm. Được xã nhiệt tình ủng hộ, ông Tuyên dồn hết số tiền tích cóp được và vay thêm bạn bè, ngân hàng để dựng nhà trồng nấm.
Vừa làm vừa để ý rút kinh nghiệm nên ông Tuyên đã có nhiều sáng kiến hay. Như làm nhà trồng nấm, ông Tuyên không làm mái kiên cố mà phủ rơm hoặc bạt lên trên. Bình thường làm đúng quy trình, một nhà nấm hết 60 triệu đồng, nhưng ông chỉ làm hết có 6 triệu đồng. “Làm hở mái, mình tận dụng được khí trời, chống bệnh nấm mốc cho nấm. Hơn nữa, việc tưới tắm sẽ dễ dàng hơn” - ông Tuyên cho biết.
Phương tiện sản xuất thiếu thốn đủ thứ nên ông Tuyên luôn phải tận dụng kinh nghiệm của mình bằng mọi giá để tiết kiệm chi phí. Thường trồng nấm phải có máy đo độ ẩm, ông Tuyên dùng… đôi môi của mình để áp dụng vào việc trồng nấm. Môi khô là trời hanh, môi ướt là độ ẩm tốt. Căn cứ vào sự cảm nhận của đôi môi, ông tưới nước cho nấm rất chuẩn. Từ khi mở trang trại đến giờ, “cái máy đo độ ẩm” đó của ông chưa sai bao giờ.
Thường, sau 1 lứa nấm sẽ phải thay nguyên liệu, riêng ông Tuyên, 1 bịch nấm ông có thể sử dụng được 3 lần. Lần đầu trồng nấm linh chi, lần thứ hai trồng mộc nhĩ và lần thứ ba là trồng nấm rơm. Việc này vừa tiết kiệm được chi phí mua nguyên liệu, vừa rút ngắn thời gian đóng bịch và treo nấm lên giàn.
Dự kiến năm nay trang trại nấm của ông thu được trên 20 tấn nấm các loại, doanh thu khoảng nửa tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông còn là một “giáo viên” giỏi và nhiệt tình của bà con nông dân trong vùng. Người dân quanh vùng, ai muốn đến học nghề nấm, ông sẵn sàng tạo mọi điều kiện và không lấy công. Nhiều người khó khăn còn được ông lo luôn chỗ ăn ở.
Tình yêu lớn
Có được kết quả như ngày hôm nay, ông Tuyên cũng trải qua những tháng ngày đầy khó khăn và gian khổ. Ông sinh năm 1965 trong một gia đình đông anh em. Đầu năm 1980 nghe theo tiếng gọi lên miền Tây xứ Thanh đi khai hoang, bố mẹ ông đã chuyển cả nhà lên huyện Như Xuân làm rừng. Sống ở nơi rừng thiêng, nước độc nhưng ông Tuyên lại là người yêu thích nghệ thuật và hoạt động đoàn. Trong những lớp học xóa mù chữ nơi đây, ông Tuyên đã làm quen với cô thôn nữ Nguyễn Thị Minh xinh xắn, nết na. Qua nhiều lần đi lại, họ cảm mến nhau từ bao giờ không hay.
Năm 1983, mối tình đẹp của đôi trai gái đã đơm hoa kết trái. Về sống chung chưa quen hơi thì một tai nạn kinh hoàng xảy ra với bà Minh. Hôm đó, bà Minh đi rừng bị rết độc cắn vào bàn chân trái. Chỉ trong chốc lát bàn chân đã bị hoại tử, chất kịch độc đó khiến bà ngất lịm.
Các lang y cao tay nơi đây đều “bó tay” không tìm ra thuốc. Ở Như Xuân suốt 3 năm mà bệnh của vợ chưa khỏi, ông Tuyên quyết tâm quay trở lại quê hương Thiệu Khánh. Mục đích của ông là ở gần bệnh viện tỉnh để chữa bệnh cho vợ. Vừa chăm sóc vợ ốm, ông Tuyên vừa kiếm kế sinh nhai.
Vốn yêu nghề nhiếp ảnh, hàng ngày ông đi khắp nơi chụp ảnh rồi quay video. Đám ma, đám cưới nào cũng có mặt ông. Không quản ngại đêm hôm, địa điểm xa gần, nơi nào cần là ông đến. Về Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa điều trị được một thời gian, sức khỏe của bà Minh đã khá hơn.
Đúng năm đó ông bà nhận tin vui là bà Minh có thai. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, bà Minh vốn bị trẹo cột sống, có thai được vài tháng, bà không thể tự đi lại được, cái chân bị rết cắn cũng chưa khỏi hẳn. Bà muốn đi đâu đều do chồng cõng. “Khổ thân ông ấy, làm lụng cả ngày vất vả, về nhà lại phải căng mình ra chăm sóc vợ chửa. Bụng tôi thì to, ông ấy phải khéo lắm mới cõng được tôi…” - bà Minh nhớ lại. Suốt 9 tháng 10 ngày bà Minh mang thai, ông Tuyên tận tình lo cho vợ đến nơi đến chốn.
Vợ sinh con trai đầu lòng, ông mừng như bắt được vàng, nhưng vợ ông vẫn vậy, chưa thể đi lại được. Mọi sinh hoạt của vợ đều phải có ông phụ giúp. Đêm vợ ngủ, ông thức ôm con. Suốt 3 năm, một nách nuôi con, một tay chăm vợ mà ông không nề hà. Chính vì nuôi vợ ốm, con thơ nên từ ngày trở về quê, năm nào, tên ông bà cũng có trong danh sách hộ nghèo của thôn. Khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ ông buông xuôi mọi việc. Thời gian nông nhàn là ông lại chở vợ đi khắp nơi chụp ảnh thuê.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, tình yêu mãnh liệt của ông Tuyên giống như một liều thuốc thần giúp bà Minh phục hồi sức khỏe. Đứa con trai cũng dần khôn lớn. Năm 1990, bà Minh sinh hạ thêm 1 cô con gái. Giờ đây cả gia đình ông sống quây quần bên trại nấm. Dự kiến năm tới, ông sẽ dần mở rộng trại nấm gấp đôi, gấp ba so với hiện tại. Ông Tuyên cho rằng, trồng nấm dễ bán, lại nhanh thu hồi vốn, không phải đầu tư nhiều lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.