Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng

(08:28:30 AM 14/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Ra đi từ “Đất Lửa” (tên tiểu thuyết đầu tay), nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trở về cùng Đất Mẹ vào trước lễ Tình nhân (Valentine) đúng một ngày.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Ảnh: Trần Hoàng Nhân
 

Với Nguyễn Quang Sáng, “tình nhân” của ông là đất nước quê hương mà ông yêu tha thiết, mà ông đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình qua hai cuộc kháng chiến, hiến dâng bằng mấy chục tác phẩm văn xuôi trải ra qua hàng mấy chục năm. Là một nhà văn bền bỉ với sự nghiệp cầm bút của mình, không ai nghĩ Nguyễn Quang Sáng lại ra đi sớm như vậy, dù ông đã ngoài 80 tuổi. Năm ngoái, khi vào Sài Gòn, tôi còn được ngồi uống rượu với ông ở một cái quán bên bờ sông Sài Gòn thuộc quận 7. Buổi chiều ở đó còn nghe được tiếng xuồng máy chạy trên sông và tiếng bìm bịp kêu nước lớn, hệt như hồi chúng tôi ở chiến trường đồng bằng Nam bộ.

 

Nguyễn Quang Sáng thích ngồi ở quán ven sông này, một phần, cũng vì nó gợi ông nhớ lại những kỷ niệm sông nước Nam bộ đã đồng hành cùng ông, đã sống dai dẳng và tha thiết trong ông gần như cả cuộc đời cầm bút. Nói “cầm bút” với Nguyễn Quang Sáng là chính xác, vì cho tới giờ, ông vẫn viết tay bằng bút, từng con chữ hiện dần dưới tay ông, trên trang giấy trắng. Viết một cách “truyền thống” như vậy, nhưng tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng luôn cập nhật đời sống đương đại, luôn cho thấy một khả năng quan sát tinh tường cùng những nhận xét sắc sảo của một “nhà kể chuyện đời”. Nguyễn Quang Sáng là người kể chuyện tài ba. Mỗi câu chuyện, dù bình dị, dù nhỏ bé tới đâu, qua cách kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng đều bật sáng lên một cách sinh động, thu hút và luôn níu giữ người đọc cho tới dòng cuối cùng. Chính khả năng cấu trúc chặt chẽ một câu chuyện khi viết văn xuôi đã giúp nhà văn Nguyễn Quang Sáng thành công khi viết kịch bản phim - một thành công mà rất ít nhà văn ở Việt Nam có được khi đi vào lĩnh vực điện ảnh. Nếu bây giờ phim Cánh đồng hoang đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam, thì công lao của nhà viết kịch bản Nguyễn Quang Sáng là rất lớn.

 

Ông là một trong số ít những nhà văn Nam bộ “rặt ri”, thuần chất, một trong nhà văn đã đưa văn xuôi Nam bộ chiếm lĩnh những đỉnh cao trong văn xuôi Việt Nam thế kỷ hai mươi. Chính chất “lưu dân” - một đặc chất của nhà văn Nam bộ thể hiện mạnh mẽ trong văn Nguyễn Quang Sáng - đã khiến tính cách những nhân vật của ông không thể trộn lẫn, nó có gì như vượt thoát khỏi những khuôn khổ, từ chối những quy ước, và kết nối với tự do.

 

Tính cách ngoài đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng là như vậy. Và đó cũng là điểm thu hút những nhà văn nhà thơ thế hệ sau như chúng tôi chơi với ông một cách thoải mái nhất, bạn bè nhất. Còn nhớ, cách đây 7, 8 năm gì đó, Nguyễn Quang Sáng được một hãng phim tài liệu mời về Quảng Ngãi để ông trở thành “đồng nhân vật chính” trong một câu chuyện hy hữu và cảm động. Đó là câu chuyện về bức thư của đại tá Trần Ngọc Giao quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi gửi cho vợ là chị Cúc, trong khi ông Giao đang ở chiến khu miền tây Quảng Nam vào năm 1967, còn vợ ông đang ở quê nhà Đức Phổ. Bức thư này, lẽ ra tới tay bà Cúc chỉ trong 7 ngày, đã phải lưu lạc trên đất Mỹ đúng 22 năm và 6 tháng. Cho tới khi nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong một lần sang thăm nước Mỹ và tới làm việc tại Trường đại học Massachusetts (MIT), ông đã phát hiện bức thư kỳ lạ này trong thư viện của Trường MIT.

 

Bức thư đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang về nước, được ông đăng tải trên Báo Công an TP.HCM, và cuối cùng, nó đã tìm về được với vợ chồng đại tá Giao và bà Cúc. Nếu không có một khả năng đặc biệt “hút” chuyện đời, hút chi tiết, một tấm lòng biết quan tâm tới số phận người khác của một nhà văn, sẽ không có câu chuyện này, hoặc câu chuyện sẽ đi về một hướng khác. Nguyễn Quang Sáng là như vậy, trông cứ như chơi chơi, nhưng không một chi tiết nào lọt khỏi mắt ông. Đó là năng lực cảm nhận đặc biệt của một nhà văn. Có thể nói, Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn xuôi bẩm sinh. Trong mỗi câu chuyện đời giản dị mà Nguyễn Quang Sáng kể, ta như nghe được những âm thanh quen thuộc và lạ lùng của đời sống, ta như thấy được những cảnh vật quen thuộc mà sao ám ảnh. Đó là cuộc sống. Và nhiều khi, văn xuôi, văn học cứ giản dị như vậy.

 

Xin vĩnh biệt ông, “người kể chuyện tài ba” của văn xuôi Việt Nam.      

Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12.1.1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới (An Giang) trong một gia đình làm nghề thợ bạc (sau này ông viết tác phẩm Dòng sông thơ ấu như là một tự truyện). 14 tuổi, gia nhập bộ đội làm liên lạc. Sau đó theo học Trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950, ra trường về công tác tại Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh Phân khu miền Tây Nam Bộ. Ông tập kết ra Bắc (1954) và bắt đầu viết văn từ năm 1957. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 3), Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 4), Tổng thư ký Hội Nhà văn TP.HCM trước khi nghỉ hưu vào năm 2001.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi và kịch bản phim nổi tiếng, được nhiều giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế.

 

Tác phẩm tiêu biểu: Đất lửa (tiểu thuyết, 1963), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1966), Bông cẩm thạch (truyện ngắn, 1969), Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985), Con mèo của Foujita (tập truyện ngắn, 1991), Mùa gió chướng (1978), Cánh đồng hoang (1978 - 1979), Thời thơ ấu (1995), Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt.

 

Giải thưởng: Ông Năm Hạng, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Báo Thống Nhất (1959); Tư Quắn, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội (1959); Dòng sông thơ ấu, giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1985); Con mèo của Fujita, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1994); Cánh đồng hoang (kịch bản phim), bộ phim được tặng Huy chương vàng Liên hoan phim toàn quốc (1980), Huy chương vàng Liên hoan phim Moskva (1981); Mùa gió chướng (kịch bản phim) được tặng Huy chương bạc Liên hoan phim toàn quốc (Hà Nội 1980).

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ trần lúc 16 giờ 15 ngày 13.2.2014. Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 14.2.2014 tại 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM; lễ truy điệu lúc 13 giờ và động quan lúc 13 giờ 30 ngày 16.2.2014, hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước (H.Bình Chánh, TP.HCM).

Theo TNO