Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vệ sinh kém làm 9.000 ca tử vong ở Việt Nam
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng vệ sinh môi trường yếu kém và sử dụng nước không an toàn (nước ô nhiễm) gây ra 7 triệu ca tiêu chảy; 2,4 triệu ca bệnh ghẻ, nhiễm giun sán, viêm gan A và đau mắt hột; 0,9 triệu trường hợp liên quan đến suy dinh dưỡng, và hơn 9.000 ca tử vong do tiêu chảy xảy ra ở Việt Nam mà phần lớn là trẻ em.
Tiêu chảy là loại bệnh phổ biến thứ hai gây tử vong ở trẻ và là nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong 18% ở trẻ dưới năm tuổi - bà Nguyễn Kim Nga, điều phối viên dự án sáng kiến về rửa tay với xà phòng, chương trình nước và vệ sinh, Ngân hàng Thế giới, phát biểu trong hội thảo “Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2010” sáng 28/9 ở Hà Nội.
Bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của con cái bằng cách rửa tay với xà phòng
Theo bà Nga, mỗi ngày thế giới có hơn 5.000 người, mỗi năm có 1,7 triệu trẻ em chết vì bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy là loại bệnh phổ biến thứ hai gây tử vong ở trẻ và là nguyên nhân gây nên tỷ lệ tử vong 18% ở trẻ dưới năm tuổi.
Ông Thowai Zai – phụ trách bộ phận nước&vệ sinh – UNICEF, cho biết vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường thấp, hạn chế trong việc tiếp cận và sử dụng nước an toàn là nguyên nhân cho các bệnh tật chung của trẻ em, bao gồm nhiễm giun sán và có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Phần lớn người dân sống trong vùng nông thôn không có thói quen rửa tay bằng xà phong vào những thời điểm cần thiết như trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với phân trẻ em.
Cũng theo số liệu thống kê mà ông Thaiwai đưa ra, khoảng 40% dân số Việt Nam (ước tính hơn 17 triệu trẻ em) chưa được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn. Chỉ có khoảng 12% dân số nông thôn có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đại tiện. Điều này chứng tỏ phân người không được xử lý đúng cách ở các vùng nông thôn đã gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai, tài nguyên, và môi trường sống.
“Vệ sinh kém không chỉ gây tổn thất về mặt sức khỏe mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế do phải gia tăng chi phí y tế ước tỉnh khoảng 262 triệu dollar”, ông Thowai Zai nói.
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi nếu…
Việt Nam là một trong 36 nước đóng góp cho thế giới đến 90% tổng số trẻ em thấp còi.
Ông Thowai Zai: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh làm giảm tỷ lệ thấp còi
Ông Thowai Zai dẫn theo một nghiên cứu của UNICEF và Bộ Y tế tiến hành năm 2009 cho thấy từ 0 – 23% tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân và 0 – 33% tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ có thể được giảm nếu gia tăng tỷ lệ tiếp cận với nguồn nước an toàn. Và từ 1 – 10% tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân và 4 – 16% tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi có thể được giảm bằng cách tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khoảng một phần mười gánh nặng bệnh tật có thể phòng tránh được bằng việc cải thiện các điều kiện cấp nước, vệ sinh, và vệ sinh cá nhân.
“Rửa tay với xà phòng có thể giảm 47% bệnh liên quan đến tiêu chảy và giảm 34% bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp”, theo bà Nga.
Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa các bệnh như tiêu chảy và viêm phổi. Mỗi năm bệnh tiêu chảy và viêm phổi làm hơn 3,5 triệu trẻ em dưới năm tuổi tử vong trên toàn thế giới.
Nhân Ngày Rửa tay Toàn cầu 15/10/2010, các hoạt động truyền thông của dự án truyền thông thay đổi hành vi rửa tay với xà phòng mở rộng diễn ra từ tuần thứ hai của tháng 10 ở Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hưng Yên, và Tiền Giang.
Còn dự án bạn hữu trẻ em do UNICEF hỗ trợ diễn ra từ tuần đầu của tháng 10 ở năm tỉnh gồm An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Kon Tum, và Ninh Thuận. Dự án do chương trình nước và vệ sinh, Ngân hàng Thế giới tài trợ.
- Theo thống kê, Việt Nam có nhiều người sử dụng điện thoại di động hơn là sử dụng nhà tiêu. 87% người dân sở hữu điện thoại di động và 75% người có nhà tiêu tại gia đình.
- Ngày Rửa tay Toàn cầu được khởi xướng năm 2008 thông qua sáng kiến hợp tác công-toàn cầu về rửa tay với xà phòng. Các chính phủ, cơ quan quốc tế, các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức phi chính phủ, khối tư nhân và các cá nhân trên toàn cầu đều thông qua ngày rửa tay toàn cầu.