Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện trên cả nước có 74 cơ sở điều trị Methadone cho 14.785 người. Methadone hiện đang được cấp miễn phí từ các chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo cam kết, nguồn tài trợ này sẽ chấm dứt sau năm 2015, điều đó đồng nghĩa với kế hoạch loại trừ tệ nạn này ra khỏi xã hội sẽ gặp khó khăn. Trước thực trạng nói trên, để duy trì phương pháp điều trị hiệu quả này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế và các bộ, ngành nghiên cứu đưa ra các chính sách, giải pháp để duy trì và mở rộng chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone phục vụ mục tiêu điều trị cho 80 nghìn người nghiện các chất ma túy vào cuối năm 2015. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành khác tuyển chọn năm doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thuốc. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta có thể bảo đảm nguồn thuốc Methadone cho người bệnh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ sở, doanh nghiệp phải có kế hoạch nhập nguyên liệu trước khi viện trợ bị cắt giảm để bảo đảm đủ nguồn thuốc cho nhu cầu trong nước. Như vậy, theo ước tính, nếu các công ty trong nước có thể tự sản xuất thuốc, giá thuốc Methadone sẽ giảm 30% so với giá nhập khẩu thuốc từ nước ngoài (ước tính giá thuốc sản xuất trong nước là khoảng 700 nghìn đồng/lít, so với giá thuốc nhập khẩu là trên dưới một triệu đồng/lít). Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Phạm Đức Mạnh cho biết, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone giải quyết được vấn đề kinh tế. Ước tính, thay vì tốn 300 nghìn đồng/ngày để mua hê-rô-in, người nghiện chỉ cần chi 7.500 đồng/ngày để mua thuốc Methadone. Như vậy, với mức giá này, người dùng Methadone hoàn toàn có khả năng chi trả. Cái được nhất là sẽ tạo được tiền đề cho các địa phương đẩy mạnh triển khai xã hội hóa các cơ sở điều trị Methadone (hiện mới chỉ có hai cơ sở xã hội hóa tại Hải Phòng và Lào Cai, người bệnh chi trả từ 8.000 đến mười nghìn đồng/người/ngày).
Trao đổi vấn đề này, bác sĩ Phan Trọng Khánh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng cho biết, hiện nay, cơ sở đang tiếp nhận điều trị cho gần 500 người bệnh. Phần lớn người bệnh là người nghiện ma túy lâu năm, từng cai nghiện ma túy nhiều lần mà không thành công. Sau giai đoạn dò liều, bác sĩ sẽ chuyển người bệnh sang giai đoạn điều trị duy trì. Kết quả, đến nay nhiều người đã từ bỏ được ma túy. Đến tháng 10-2013, qua kiểm tra cho thấy kết quả hơn 90% số người bệnh có phản ứng âm tính với ma túy, nhất là trong số đó có đến 76% số người có việc làm (trước khi điều trị chỉ 30% số người có việc làm). Người bệnh hồi phục sức khỏe và tinh thần ngày càng thoải mái và có nhiều cải thiện trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện các cơ sở điều trị Methadone tại Hải Phòng đều bị quá tải. Nhiều gia đình người bệnh sẵn sàng trả thêm tiền để được ưu tiên vào điều trị. Anh Nguyễn Văn Hải, một người bệnh đang điều trị ở đây chia sẻ: Từ khi dính vào ma túy, cuộc sống tôi mù mịt không tương lai, chưa khi nào tôi thấy niềm vui. Gia sản khánh kiệt bởi một ngày tôi "đốt" cả nửa triệu đồng vào ma túy. Có lúc khi cơn nghiện lên, bí bách tôi lấy từng bơ gạo của gia đình đi bán để lấy tiền mua ma túy. Nhưng bây giờ, nhờ có Methadone, tôi không còn dùng ma túy nữa, công việc đã ổn định, tôi được tuyển vào làm bảo vệ cho một công ty. Kinh tế gia đình bớt khó khăn, mua sắm được một số đồ dùng trong nhà. Tôi biết, thời gian tới, người dùng Methadone sẽ phải chi trả tiền để sử dụng Methadone, cá nhân tôi luôn ủng hộ liệu pháp này, tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn để có thêm kinh phí chi trả cho việc điều trị.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chương trình điều trị Methadone đã điều trị cho 15 nghìn người nghiện ở 74 cơ sở tại 29 tỉnh, thành phố, đây là một thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn khá xa so với mục tiêu 80 nghìn người nghiện được điều trị bằng Methadone vào năm 2015 của Chính phủ. Năm 2015 cũng là thời điểm các nguồn tài trợ sẽ bị cắt, đồng nghĩa với việc chương trình có thể bị ngừng lại. Điều trị nghiện hê-rô-in bằng Methadone là điều trị duy trì, đòi hỏi phải được áp dụng thường xuyên và lâu dài, do đó, hàng nghìn người nghiện sẽ đứng trước nguy cơ tái nghiện khi bị dừng điều trị do thiếu kinh phí. Như vậy, để chương trình này được tiếp tục, mang đến cơ hội được cai nghiện cho hàng nghìn người nghiện, các cấp có thẩm quyền cần đưa ra một kế hoạch tài chính cụ thể để đầu tư kinh phí cho chương trình. Theo đó, trước mắt, nguyên liệu sản xuất thuốc sẽ được nhập từ nước ngoài. Thuốc không được lưu hành trên thị trường mà sẽ được trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh, thành phố phụ trách và kiểm soát.
Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam từ năm 2008. Methadone được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của hê-rô-in từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C. Hiện chương trình đã có mặt ở 29 tỉnh, thành phố với 74 cơ sở.