Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Liệu rồi những ngã ba sông như thế này có trở thành phố thị.
Sài Gòn hình thành cách đây hơn 300 năm. Có người nói Sài Gòn là thành phố của những ngã ba sông. Đó là ngã ba nào?
Sông Sài Gòn gặp Thị Nghè là một ngã ba. Ít người nhớ sông Thị Nghè có hai cầu cùng tên gọi Thị Nghè là cầu Thị Nghè cũ và cầu Thị Nghè mới (Ba Son). Từ cầu Thị Nghè ngược sông đi lên ta gặp cầu Sắt, cầu Bông, cầu Kiệu và cuối cùng là cầu Công Lý. Tới đó là hết sông Thị Nghè. Ông cha ta đã đào thêm đoạn kênh Nhiêu Lộc ngày nay tạo thành hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài hơn 13km chảy qua nhiều quận.
Có một ngã ba khác là ngã ba sông Sài Gòn – rạch Tàu Hủ. Nếu kể như vậy thì thành phố còn nhiều ngã ba sông. Đường Nguyễn Huệ xa xưa cũng là một nhánh sông.
Thành phố ta được bao bọc bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt. Nhưng người dân thành phố không kiếm sống từ dòng sông bằng cách khai thác nước tưới nông nghiệp, thuỷ sản như ở dưới đồng bằng.
Với Sài Gòn, sông rạch có chức năng chính là giao thông, trước hết là giao thông.
Vận chuyển đường sông vẫn còn quan trọng
Sông ở Sài Gòn – TP.HCM gần biển, có ảnh hưởng của thuỷ triều nhưng bốn mùa bình yên. Nó không giống như ở thượng nguồn, có mùa nước quá cạn lại có mùa nước chảy dữ dội.
Sự hình thành của Sài Gòn – TP.HCM gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”. Những năm có loạn lạc xa xưa trong lịch sử, người dân chạy khỏi vùng loạn lạc. Họ lên thuyền và đi dọc các dòng sông. Họ bám lấy dòng sông, họ cập vào các bến sông nhưng vẫn sống trên thuyền. Họ sống một cuộc sống ở đô thị nhưng không kết nối với hạ tầng của đô thị và đó là nguyên nhân hình thành “khu nhà ổ chuột” ven kênh.
TP.HCM đã có chủ trương trả lại dòng sông cho thiên nhiên, cho cuộc sống. Sau thành công bước đầu ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Tàu Hủ – Bến Nghé ta bắt đầu thấy lại được hình ảnh không gian của một đô thị có hệ thống sông rạch.
Ta thấy rõ trên đường Võ Văn Kiệt, ven kênh Tài Hũ – Bến Nghé, trên Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn từ Ba Son đến cầu Công Lý, nước đã bắt đầu xanh lại, cá bắt đầu sống được.
Các con kênh, dòng sông khác cũng có những chương trình làm cho các dòng sông tái sinh lại.
Trở về “trên bến dưới thuyền”
Một cù lao đã được khai thác.
Có người nói ở đâu có sông thì ở đó có thuyền. Ở đâu có thuyền thì ở đó có bến. Ba cái này là kết hợp hữu cơ.
Ta cứ quan sát kênh Nhiêu Lộc ngày nay thì thấy rõ mối quan hệ này. Kênh Nhiêu Lộc không còn thuyền, không còn lối đi cho thuyền. Thì cũng đâu còn cần đến bến. Có thể khi làm quy hoạch ban đầu, ta chưa nghĩ đến điều này nên đã cho làm hệ thống cầu bắc ngang. Nay phải suy nghĩ lại. Tôi nhìn hình ảnh dòng sông không có con thuyền cứ thấy như một dòng sông chết. Ta không cần thuyền chở lương thực thực phẩm như ngày xưa mà thuyền bây giờ để du lịch, để đưa vào đời sống văn hoá. Tại sao ta không nghĩ đến tuyến giao thông 12km có nhiều lợi thế so với một tuyến metro tương tự?
Trên bờ kênh, bờ sông ta cần nghiên cứu về không gian cảnh quan tạo nét riêng cho kênh rạch chứ không phải chỉ là cỏ và cây là xong. Cần một nghiên cứu về không gian đô thị sông rạch để tạo cho người dân khoảng xanh trong lành.
Với hệ thống sông rạch đan xen trong đô thị thì ta nên phát huy hệ thống giao thông công cộng, giảm bớt lưu lượng giao thông cơ giới, vừa giải quyết nhu cầu giao thông vừa có điều kiện đào sâu, tăng lượng chứa nước, giảm ngập.
Trong không gian đô thị, khi ta mở ra các không gian riêng lẻ hướng về dòng sông hoặc có dòng sông làm cảnh quan thì luôn tạo ra giá trị cao. Bằng chứng là trước khi ta cải tạo Nhiêu Lộc, Thị Nghè, nhà ở các khu vực này không có giá cao hơn khu vực khác. Nay thì trên hai tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa ven kênh, giá cao hơn hẳn các khu vực khác tương đương về vị trí. Ta cũng đã bỏ qua một cơ hội là khi tiến hành cải tạo đô thị, vẫn còn để quá nhiều nhà phố đơn lẻ. Nếu ta có thiết kế đô thị hình thành được như khu chung cư cao cấp thì sẽ có giá trị cao hơn.
Với 930ha khu trung tâm hiện hữu, nếu triển khai theo đúng quy hoạch ta sẽ có một đô thị phát triển hợp lý cho tương lai. Một trong những điểm thành công của đồ án là nâng cấp đô thị cũ cho hợp lý để có thể tương tác với đô thị mới là Thủ Thiêm. Tuy nhiên, cũng như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm nằm ở tầng thấp so với cốt nền chung. Đô thị mới Thủ Thiêm gần như được giữ lại nguyên hệ thống kênh rạch tự nhiên. Quảng trường thành phố đặt ở Thủ Thiêm là một đặc thù song song với quảng trường nước được đơn vị tư vấn cho là hợp lý.
Hiện nay, các ngành du lịch, giao thông vận tải, quy hoạch kiến trúc đang nghiên cứu và bước đầu đã triển khai xây dựng hệ thống giao thông đường thuỷ phục vụ du lịch cho thành phố.
Hy vọng trong tương lai, Sài Gòn – TP.HCM sẽ lại hồi sinh hình ảnh “trên bến dưới thuyền” như một thời đã có.