Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Độc đáo điệu múa Chuông của người Dao vùng đất Tổ

(07:55:14 AM 12/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về trên khắp các bản làng của người Dao ở đất Tổ Phú Thọ lại vang lên điệu múa Chuông. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao ở Phú Thọ.

( Ảnh minh họa )

 

Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, những sợi tua mầu được tung lên, hạ xuống, lượn tròn thật nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt vẫn được ông Triệu Tiến Phúc, 67 tuổi, ở khu Liên Thành, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn thể hiện tài tình trong buổi lễ Tết nhảy đón năm mới của dân tộc mình. 


Đã hơn 40 năm ông Triệu Tiến Phúc gắn bó với điệu múa Chuông của dân tộc mình, ông cũng đã truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ trong làng biết điệu múa này. Ông Triệu Tiến Phúc cho biết, đã là người dân tộc Dao thì đều biết múa Chuông, vì trong tất cả các ngày lễ quan trọng của người Dao như Tết nhảy, lễ Lập tĩnh (cấp sắc, đặt tên cho người trưởng thành), Tết thanh minh, Tết 5/5, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy đều có điệu múa Chuông… Đặc biệt, múa chuông trong lễ Tết nhảy của người dân tộc Dao như là một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương đã cứu cứu rỗi dân làng ngoài biển năm xưa, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. 

 

Mỗi dịp xuân về, người Dao lại tổ chức Tết nhảy, điệu múa Chuông lại vang lên trên khắp bản làng. Bản đông người thì tổ chức múa Chuông ở nhiều nhà nên cả bản cứ luân phiên xúm lại làm giúp một nhà. Vì thề Tết Nguyên đán kéo dài đến hết cả tháng Giêng. 


Mỗi đợt múa hát có khoảng 20- 40 người tham gia, càng đông càng vui. Khi múa tay trái người múa cầm một chiếc đóm, tay phải cầm một chiếc chuông để đánh nhịp. Vừa múa họ vừa hát những bài hát cổ xưa mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình nên truyền thống dân tộc, truyền thống gia đình hàng năm được ôn lại trong dịp Tết nhảy. 


Với đạo cụ chính là chiếc chuông nhỏ bằng đồng có chuôi để người múa cầm, kết hợp với một số đạo cụ phụ như trống con, đàn nhị, sáo… tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng nhưng rộn ràng, khỏe khoắn để các chàng trai , cô gái Dao nhún nhảy, đưa chân kết hợp với cánh tay, vừa lắc chuông đều đặn, dứt khoát vừa múa theo nhịp nhún mềm mại, khéo léo của chân, khi thì vung lên trước ngang tầm bụng, khi thì hạ xuống xuôi theo người, với từng ánh mắt gửi gắm trao duyên… 

 

Tuy nhiên, hiện nay trước sự phát triển của nhiều luồng văn hóa tiên tiến, nét đẹp văn hóa truyền thống múa Chuông đang có nguy cơ mai một. Trước tình trạng đó, huyện Thanh Sơn đã có nhiều giải pháp giữ gìn và phát huy những vốn quý của nền văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc riêng của các dân tộc. Huyện đã chỉ đạo cơ sở động viên bà con phục dựng lại những nét đẹp văn hóa truyền thống trong đó có múa Chuông của người Dao, đồng thời tổ chức các hội diễn cấp cơ sở và đưa múa Chuông tham gia các hội diễn của tỉnh.

 

( TTXVN )