Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Câu hỏi 66: NhữngThỏa thuận và Hiệp định chủ yếu về phân định và hợp tác trên biển mà Việt Nam đã đàm phán, ký kết với các nước láng giềng? Còn những vấn đề gì trên biển Việt Nam cần tiếp tục giải quyết với các nước liên quan?
Đảo Bạch Long Vĩ trên Vịnh Bắc Bộ và các điểm phân định
Đáp: Đến nay, Việt Nam đã ký một số Thỏa thuận và Hiệp định về phân định và hợp tác trên biển với các nước láng giềng, cụ thể là: Hiệp định về vùng nước lịch sử với Cam-pu-chia năm 1982; Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997; Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Hiệp định hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ năm 2000; Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003; Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xia năm 1992:
- Hiệp định về vùng nước lịch sử của nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Cam-pu-chia ký ngày 7/7/1982 gồm 3 điều đã giải quyết được những vấn đề hết sức quan trọng như sau:
- Hiệp định đã xác định giới hạn cụ thể của vùng nước lịch sử thuộc chế độ nội thủy chung của hai nước Việt Nam và Cam-puchia. Ngoài vùng nước này là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền riêng biệt của mỗi nước. Đây là điều hết sức quan trọng tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để hai nước quản lý, bảo vệ các vùng biển của mình.
- Hai bên thoả thuận “lấy đường Brévié được vạch ra năm 1939 làm đường phân chia đảo trong khu vực này”. Đây là lần đầu tiên hai nước thừa nhận chủ quyền của các bên đối với các đảo giữa hai nước. Hiệp định này đã nâng đường Brévié từ ranh giới quản lý hành chính và cảnh sát thành đường phân chia chủ quyền đảo giữa hai nước, nhưng cũng xác nhận giữa hai nước chưa có đường biên giới biển.
- Hai bên “sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để hoạch định đường biên giới biển giữa hai nước trong và ngoài vùng nước lịch sử”. Sau khi ký Hiệp định vùng nước lịch sử hai bên tiếp tục đàm phán để phân định đường biên giới và ranh giới trên biển giữa hai nước trong và ngoài vùng nước lịch sử.
- Việc tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử này sẽ do hai bên cùng tiến hành. Để đảm bảo an ninh trật tự chung trong vùng nước lịch sử, hải quân hai nước đã có thoả thuận và tiến hành tuần tra chung.
Việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương trong vùng này vẫn tiếp tục theo tập quán làm ăn từ trước tới nay. Như vậy nhân dân hai nước có quyền khai thác nguồn lợi hải sản một cách hợp pháp trong vùng nước lịch sử. Công dân của nước khác không được phép vào đánh bắt trong vùng nước này.
- Đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, v.v... trong vùng nước lịch sử sẽ do hai bên cùng thoả thuận; khi không có thoả thuận không bên nào được đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên trong vùng nước lịch sử.
Theo Hiệp ước năm 1983 về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, vào thời gian thích hợp Việt Nam và Cam-pu-chia sẽ thương lượng để phân định ranh giới biển giữa hai nước trong vùng biển này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 07/7/1982.
Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong vịnh Thái Lan ký ngày 9/8/1997 gồm 6 điều với các nội dung chính như: quy định rõ tọa độ đường phân định đơn nhất cho cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước; thừa nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi nước theo đường ranh giới trên biển này; quy định việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vắt ngang đường biên giới; hiệp thương với Ma-lai-xia giải quyết khu vực thềm lục địa chồng lấn giữa ba nước và giải quyết các tranh chấp liên quan đến Hiệp định thông qua đàm phán, thương lượng.
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 27/2/1998.
Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Hiệp định này ký ngày 25/12/2000, gồm 11 điều với các nội dung chính như: xác định rõ tọa độ địa lý 21 điểm trên đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa hai nước; quy định hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên tại các vùng biển trong vịnh Bắc Bộ; quy định việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vắt ngang đường phân định và giải quyết các tranh chấp liên quan đến Hiệp định thông qua đàm phán, thương lượng.
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2004.
Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa ký ngày 25/12/2000 gồm 7 phần 22 điều với các nội dung chính như: xác định phạm vi cụ thể của vùng đánh cá chung; xác định số lượng tàu cá hàng năm, nghĩa vụ của công dân trên tàu khi đánh bắt trong vùng đánh cá chung; việc xử lý các tình huống nảy sinh trong vùng; xác định về dàn xếp quá độ; vùng đệm cho các tàu cá nhỏ; quy định về Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung.
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004.
Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xia về phân định ranh giới thềm lục địa ký ngày 26/6/2003 gồm 6 điều với các nội dung chính như: quy định tọa độ các điểm của đường phân định ranh giới thềm lục địa hai nước; việc khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển vắt ngang đường ranh giới; giải quyết các tranh chấp liên quan đến Hiệp định thông qua thương lượng, đàm phán,…
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 29/5/2007.
Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Ma-lai-xia ký ngày 05/6/1992 (có hiệu lực từ ngày ký): Việt Nam và Ma-lai-xia có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Diện tích vùng chồng lấn không lớn (khoảng 2.800 km2), nhưng có tiềm năng về dầu khí. Hai bên thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn (MOU) như là giải pháp tạm thời trong khi chưa phân định dứt điểm ranh giới. Các nguyên tắc hợp tác là: chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia công bằng lợi nhuận; hoạt động thăm dò khai thác dầu khí do Petrovietnam và Petronas thực hiện trên cơ sở các dàn xếp thương mại. Sau đó, hai công ty dầu khí hai nước đã ký kết và triển khai thực hiện các dàn xếp thương mại. Sau này, Việt Nam và Ma-lai-xia sẽ phân định dứt điểm ranh giới vùng chồng lấn này.
Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không để ảnh hưởng đến quan hệ với các nước liên quan. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới ta tiếp tục tiến hành đàm phán với Trung Quốc và các nước liên quan để giải quyết các bất đồng và phân định ranh giới biển. Cụ thể là:
- Giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc và tranh chấp chủ quyền với các bên có liên quan trên quần đảo Trường Sa.
- Trong việc phân định ranh giới trên biển, chúng ta sẽ:
+ Đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và In-đô-nê-xia;
+ Đàm phán phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Ma-lai-xia;
+ Đàm phán phân định thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam - Ma-lai-xia - Thái Lan;
+ Đàm phán phân định các vùng biển giữa Việt Nam và Cam-pu-chia trong vùng nước lịch sử;
+ Đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.
Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.