Cổ thụ không chỉ là di sản mà hơn thế còn là thực thể sống sinh động, có linh hồn và cuộc đời, góp phần làm đẹp cho con người. (Ảnh: Báo Hải Phòng)
Bảo tồn
Cây Di sản tức là trực tiếp bảo tồn được nguồn gene đa dạng sinh học, cái vốn quý nhất của sự sống. Thông qua sự kiện này, ý thức bảo vệ môi trường của mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao một cách rõ rệt, từ đó tiếp thu và phát triển nếp sống hài hòa gắn bó với thiên nhiên của ông cha, xây dựng cấc hành vi ứng xử với môi trường phù hợp.
Những điều vừa nói cũng lý giải được là tại sao, kể từ khi sự kiện bảo tồn cây di sản được triển khai năm 2010, đến nay cộng đồng và chính quyền nhiều địa phương đã hưởng ứng và tham gia sự kiện với nhiều sáng kiến không ngờ, làm cho sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam của VACNE thực sự đi vào cuộc sống.
Theo số liệu thống kê cho đến nay, trên 600 cây đã được đăng ký, 160 cây đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam với trên 30 loài cây quý. Đã có 30 tỉnh là thành phố có đơn đăng ký xin công nhận
Cây Di sản Việt Nam.
Cây Di sản đã có mặt ở bản Lũng Túng (Cao Bằng), ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), ở Điện Biên, ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Huế, Bình Định. Cho đến nay, các kỷ lục đã được ghi nhận là khá nhiều. Cây Di sản cao nhất là cây xa mu dầu ở VQG Pù Mát Nghệ An, cao trên 70m. Cây Di sản thân đơn có đường kính lớn nhất là Cây Tung ở Đắk Lắk, đường kính 6,5m, còn cây Đa ở Lào Cai có chu vi kỷ lục là 45m. Các Cây Di sản có tuổi cao nhất đang được ghi nhận ở Phú Thọ là cây táu 2.200 năm.
“Những kỷ lục này sẽ luôn thay đổi vì nhiều địa phương đang làm thủ tục cho những cây cổ thụ còn nhiều tuổi hơn, cao hơn, to hơn và chắc chắn đều rất đẹp, rất hùng vĩ với nhiều ý nghĩa sâu xa về khoa học, môi trường, văn hóa, lịch sử,” TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nói.
Vinh danh để gìn giữ
Theo tài liệu của VACNE cung cấp thì Singapore là nơi đầu tiên tổ chức phong trào bảo vệ cây di sản. Theo quy định của nước này, cây di sản là những cây trưởng thành, đơn lẻ được lựa chọn và bảo vệ bởi quy định pháp luật do nhà nước xây dựng có tên Kế hoạch cây di sản (Heritage trees scheme), có hiệu lực từ ngày 17-8-2001. Hiện nhiều nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ… đã tiến hành bảo vệ cây di sản.
Tại Việt Nam, VACNE đã chính thức phát động sự kiện "Bảo tồn cây di sản Việt Nam" ngày 18/3/2010. Mục đích chương trình nhằm lựa chọn và vinh danh những cây di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam rộng rãi trong nước và ngoài nước, tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học...
Tiêu chí công nhận cây di sản là căn cứ vào đặc điểm sinh thái, ý nghĩa lịch sử, văn hoá của cây. Nếu là cây cổ thụ trong tự nhiên phải 200-300 tuổi trở lên. Cây cao to, cao trên 40m, chu vi trên 6m đối với cây gỗ đơn thân, cao trên 25m, chu vi trên 15m đối với các cây đa. Có hình dáng đặc sắc, đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hoá, lịch sử. Những cây được trồng phải trên 100 tuổi và gắn liền với lịch sử, mang nét văn hoá đặc thù của địa phương…
Sau khi nhận hồ sơ đề cử, hội đồng cây di sản sẽ thẩm định, đánh giá và đưa ra quyết định công nhận. Cây di sản được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận và được bảo tồn tốt nhất, tạo điều kiện hỗ trợ chủ nhân của các cây di sản, chăm sóc, bảo quản trong các điều kiện cần thiết...
Sau 4 năm phát động sự kiện bảo tồn cây di sản, đến nay VACNE đã trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho hơn 500 cây thuộc 40 loài trên 40 tỉnh thành.
Sở dĩ sự kiện vinh danh Cây di sản của VACNE được cộng đồng hưởng ứng sôi nổi, từng bước có sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, cũng như các ngành chức năng địa phương là vì ngoài mục tiêu bảo vệ Đa dạng về sinh học cho nhân loại, hoạt động này rất thiết thực với nhu cầu văn hóa, tinh thần cuả cộng đồng, nhất là đối với việc chăm sóc, bảo vệ những cây cổ thụ ở các khu di tích lịch sử văn hóa của địa phương, của quốc gia.