Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

11% dân số Việt Nam nghèo về y tế

(17:48:05 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Trong danh sách xếp hạng các nước về chỉ số phát triển con người, Việt Nam đứng thứ 113. Trong đó, 11% dân số nghèo về y tế nghĩa là ít nhất một thành viên trong hộ bị suy dinh dưỡng, hoặc có trẻ bị chết.


Ảnh minh họa: Lê Văn.


Thông tin trên được đưa ra trong buổi công bố Báo cáo Phát triển Con người năm 2010 của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc ngày 9/11, tại Hà Nội.

 

Chỉ số phát triển con người (HDI) bao trùm các khía cạnh sức khỏe và giáo dục cũng như thu nhập. Danh sách 169 quốc gia và vùng lãnh thổ này được xếp hạng chia làm 4 nhóm: các nước có HDI rất cao, cao, trung bình và thấp, Việt Nam ở cuối của nhóm trung bình.

 

Báo cáo năm nay cũng tổng kết quá trình phát triển của con người trong 40 năm qua. Trong đó, Trung Quốc, Indonexia, Lào và Hàn Quốc nằm trong số “10 quốc gia đứng đầu” trong danh sách các nước có tiến bộ về phát triển con người. Trung Quốc là quốc gia duy nhất được đưa vào danh sách do những thành tựu về thu nhập chứ không phải về sức khỏe hay giáo dục.

 

Trong 4 thập kỷ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần. Nhưng điều đó không đủ để đưa Việt Nam vào danh sách các “quốc gia đứng đầu” về những tiến bộ trong phát triển con người nói chung.

 

Ông Alex Warren-Rodriquez, Cố vấn kinh tế Chương trình phát triển Liên hợp quốc cho biết cho biết: "Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, tăng chỉ số phát triển con người ổn định. Từ một nước kém phát triển, các bạn đã là một trong những nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng trong chỉ số phát triển con người chậm lại từ giữa những năm 2000".

 

Cụ thể, tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ổn định ở mức cao, tuy nhiên những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục đã chậm lại, đặc biệt là giáo dục bậc trung học và cao hơn nữa. Trong 5 năm qua, số năm đi học dự kiến chỉ tăng rất ít, từ 10,3 năm lên 10,4 năm. Học sinh Việt Nam dự kiến tiếp tục đi học ít hơn 3 năm so với học sinh ở Thái Lan và ít hơn 2 năm so với học sinh ở Malaysia.

 

Việt Nam đứng thứ 113, tương tự như vị trí năm 2009. So với các nước trong khu vực, Việt Nam ở vị trí cao hơn so với Ấn độ và Camphuchia. Nhưng cần nhiều nỗ lực để theo kịp Thái Lan (92) và Philippin (97).

 

"Vấn đề ở đây không phải là đứng ở vị trí nào mà là tại sao chúng ta vẫn ở mức đó. Việt Nam khó đuổi kịp các nước có chỉ số phát triển con người trung bình và mức bình quân của khu vực Đông Á", ông Christophe Bahuet, Phó giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc nói.

 

Cũng vì thế, năm nay, ngoài việc xếp hạng các nước về chỉ số phát triển con người, Báo cáo năm nay cũng đưa ra 3 chỉ số mới về vấn đề nghèo đa chiều, bất bình đẳng và bất bình đẳng giới.

 

Theo các chuyên gia, chỉ số nghèo đa chiều giúp xác định những thiếu thốn chồng chất nghiêm trọng về sức khỏe, giáo dục và thu nhập ở cấp hộ gia đình. Chỉ số này giúp chỉ ra cho các nước những lĩnh vực cần ưu tiên để đạt thành công trong tương lai.

 

Chẳng hạn về y tế, các chuyên gia lấy tiêu chí: ít nhất một thành viên trong hộ gia đình bị suy dinh dưỡng, một hoặc nhiều hơn một trẻ trong hộ chết. Hay về mức sống đó có thể là hộ gia đình đó không có điện, không được tiếp cận nước sạch, hộ sử dụng nhiên liệu nấu nướng không vệ sinh (như than hoặc củi)...

 

"Việt Nam có tiềm năng để phát triển, vấn đề là chúng ta cần hiểu vấn đề khó khăn của mình để phát triển bền vững. Các bạn cần cố gắng hơn nữa, giải quyết các khúc mắc trong đầu tư cho giáo dục, cung cấp các dịch cụ y tế, cải thiện tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em... ", ông Christophe nói.

Theo Nam Phương/VnExpress