Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khái niệm “giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”?

(17:18:32 PM 10/02/2014)
(Tin Môi Trường) - Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới (thậm chí cả các quốc gia có quan hệ ngoại giao hết sức thân thiện với nhau) sau một thời gian đàm phán không đạt kết quả đã đưa các tranh chấp ra giải quyết tại các tòa án quốc tế và thực hiện nghiêm chỉnh các phán quyết của Tòa.

Câu hỏi 65: Hãy cho biết rõ hơn về khái niệm “giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”?

 

 

Ảnh: Reuter

 

Đáp: Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình có thể hiểu là (1) giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình (song phương hoặc đa phương) trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm đi tới một giải pháp công bằng cho tất cả các bên, và (2) giải quyết các tranh chấp thông qua trung gian, hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài pháp quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài khác.

 

Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới (thậm chí cả các quốc gia có quan hệ ngoại giao hết sức thân thiện với nhau) sau một thời gian đàm phán không đạt kết quả đã đưa các tranh chấp ra giải quyết tại các tòa án quốc tế và thực hiện nghiêm chỉnh các phán quyết của Tòa. Các vụ điển hình đã được giải quyết tại Tòa án Công lý quốc tế là: Phân định vùng đặc quyền kinh tế ở vịnh Maine giữa Hoa Kỳ và Ca-na-đa năm 1984; giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo giữa Ma-lai-xia và In-đô-nê-xia năm 2003, giữa Xin-ga-po và Ma-lai-xia năm 2008…

 

Việc ngày 22/1/2013, Phi-lip-pin khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng là một biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển được nhiều nước và cộng đồng quốc tế hoan nghênh, ủng hộ và đã được cơ quan tài phán quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp quốc thụ lý bằng việc đã hoàn tất thủ tục đề cử các thẩm phán cho tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển.

Ảnh tư liệu

 

Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với một số chuyên gia đại diện cho các cơ quan có liên quan tổ chức biên soạn cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam”. Cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, học sinh, sinh viên Việt Nam nói riêng có cái nhìn tổng quan về biển, đảo Việt Nam, từng bước nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Bắt đầu từ ngày 29/12/2013, Tin Môi Trường sẽ  lần lượt giới thiệu nội dung phần hỏi- đáp được trích từ cuốn sách “100 câu hỏi đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” do Ban Tuyên giáo xuất bản, nhằm giúp các bạn trẻ Việt Nam hiểu thấu đáo các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển; về không gian biển, đảo của đất nước; về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo; về chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề biển, đảo và Biển Đông.

 

Trên cơ sở những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc, những người Việt Nam trẻ tuổi sẽ là những sứ giả tạo nên sự kết nối, sức lan tỏa trong toàn xã hội, thúc đẩy, tạo nên những hành động thiết thực trong cộng đồng, vì biển, đảo quê hương.

TIN MÔI TRƯỜNG