Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người ta thường dùng nó để bồi bổ sức khỏe và hạn chế bệnh tật cho người già, người mới ốm dậy, trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng và chữa trị thoái hóa xương khớp. Nhưng hiện nay, có không ít thông tin lệch lạc về Cao Ngựa Bạch, thổi phồng quá mức về tác dụng chữa bệnh của Cao xương và các phủ tạng của Ngựa Bạch, làm cho nhiều người lầm tưởng đây là một giống ngựa đặc biệt, đua nhau săn lùng buôn bán, nhân giống và giết mổ nấu Cao. Dẫn tới những hệ lụy: tiền mất tật mang và đang đẩy nhiều đàn ngựa tới nguy cơ bị suy thoái.
Nói về giống Ngựa, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam; đồng thời cũng là một trong những chuyên gia đầu ngành về động vật Móng Guốc của Việt Nam cho biết: Họ ngựa Equi dae thuộc Bộ Guốc lẻ (Perissoda ctyla), trong đó có nhiều Chi và phân Chi. Trong phân Chi E quus có ngựa hoang (E. ferus) và ngựa nhà (E. Caballus). Trong ngựa nhà cũng có rất nhiều giống, nhưng tuyệt nhiên không có giống ngựa bạch riêng rẽ, mà nó chỉ có những con ngựa bị bạch tạng mà thôi. Đây là hệ quả giao phối đồng hợp tử về gen lặn ở thế hệ bố mẹ, do những biến đổi trong vật chất di truyền. Khi cơ thể bị rối loạn quá trình sinh tổng hợp melanin (chất tạo ra sắc tố màu đen) sẽ làm cho da, lông và con ngươi mắt có màu hồng. Biến đổi này có tính bền vững và có thể di truyền cho các đời sau. Vì thế, ngựa bố mẹ bị bạch tạng thường đẻ ra ngựa con bạch tạng; đồng thời có không ít trường hợp ngựa kim vẫn sản sinh ra những con ngựa bị bạch tạng, mà người dân vẫn thường gọi là Ngựa Bạch.
Các loài động vật khác như: chim, cá, bò sát, lưỡng cư, côn trùng cũng bị bạch tạng, nhưng do có nhiều sắc tố khác (ngoài melanin) cho nên biểu hiện không được rõ lắm.
Khi được hỏi kỹ về Cao? hầu như ở tất cả những cơ sở sản xuất, buôn bán Cao và cả thầy thuốc Đông y đều trả lời rất chung chung. Họ không phân biệt được Cao xương Ngựa Bạch với Cao xương ngựa thường và cũng không có tài liệu chính thống nào nói về sự khác biệt giữa này. Nhìn bề ngoài, các loại Cao ngựa đều giống nhau: màu nâu cánh gián, có mùi thơm đặc trưng, khi để trong tủ lạnh thì ròn, trong như hổ phách, khi đun chảy thì dẻo như mạch nha.
Trong cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi cũng nói về công dụng của Cao xương ngựa, nhưng không tách bạch ngựa trắng hay đen. Hiệu quả đối với sức khỏe sau khi dùng Cao xương ngựa cũng đã được kiểm chứng qua thực tiễn điều trị tại nhiều cơ sở Đông y. Và tới nay, gần như toàn bộ các hợp chất, vi chất thường có trong Cao xương ngựa đều được các phương pháp phân tích khoa học hiện đại tìm ra. Người ta xác định: ngoài muối khoáng, chất keo Gelatin và Vitamin, trong đó còn chứa nhiều Axit amin, kể cả những loại Axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được, như: Lyzine, Methionine, Arginine, Histidine, Leucine, Lsoleucine, Valine, Threonine, Trytophane, Phenylalamine. Đặc biệt, trong cao xương Ngựa có chứa một hàm lượng Can xi và Phốt pho hữu cơ rất cao, rất dễ hấp thụ trong quá trình hình thành cấu trúc khung xương. Vì thế, sau khi sử dụng loại sản phẩm này, trẻ em bị còi xương thường mau lớn; những sản phụ cùng các cụ già bị thoái hóa xương khớp có biểu hiện hoạt động nhanh nhẹn hơn, da dẻ hồng hào và mịn hơn.
Đó là sản phẩm đạt chuẩn. Còn trong thực tế hàm lượng của các chất nói trên, cũng như hiệu quả nâng cao sức khỏe, khả năng phòng chống bệnh tật cho con người của từng mẻ Cao, của từng cơ sở chế biến Cao ngựa lại khác nhau. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu (xương ngựa) và kinh nghiệm chế biến của cơ sở sản xuất.
Chủ một cơ sở chế biến Cao cho biết: muốn có Cao tốt, ngoài nguồn nguyên liệu xương ngựa đảm bảo chất lượng (xương ngựa khỏe và đủ già) còn phải do khâu chế biến hợp vệ sinh và đúng quy trình công nghệ. Chỉ cần đun nấu theo kiểu “hỏa tốc” trong vài ba ngày thì chất lượng Cao sẽ kém, do các hợp chất bị phân hủy, hoặc bay theo hơi nước hết. Đó là chưa kể những nơi vì lợi nhuận, họ mua ngựa non, thậm chí cả những con ngựa bị bệnh, ngựa kéo xe lâu năm (thường bị lao lực) để lấy xương nấu Cao, như vậy rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Giải thích về tác dụng khỏi bệnh nhờ Cao Ngựa, cho dù nó không phải là thuốc, một vị Giáo sư trong lĩnh vực Đông y cho rằng: khi cơ thể bị tổn thương, bị lão hóa, thường suy giảm các chức năng và dễ dẫn tới bị bệnh. Sau một thời gian ăn (hoặc uống rượu ngâm Cao xương Ngựa), tức là chúng ta bổ sung cho cơ thể thêm muối khoáng, các Axit amin và các hoạt chất sinh học có tác dụng làm phục hồi sức khỏe, nhờ đó lấn át bệnh. Nhưng ông lưu ý: Cao ngựa là loại thực phẩm giàu đạm, nên những người bị bệnh cấp tính ngoài da và bệnh Gút khi lên cơn đau cấp tính, người có dấu hiệu suy thận và trẻ em dưới 6 tháng tuổi không nên dùng. Còn những câu hỏi tại sao? Cao xương Ngựa Bạch lại đắt gấp nhiều lần so với Cao ngựa thường. Đặc biệt phổi và bộ phận sinh dục của những con Ngựa Bạch đang được nhiều “thượng đế” săn lùng mua với giá rất cao?. Người ta đồn rằng: các nội tạng này chữa bệnh hen, bệnh yếu sinh lý cho người rất tốt? Vị Giáo sư chỉ cười và yêu cầu “chuyển” câu hỏi tới các nhà quản lý?
Chính những thương lái ngựa cũng “chưa rõ lắm” về khả năng chữa bệnh siêu phàm khi ăn thực phẩm từ ngựa bạch?, nhưng họ biết rất rõ tên, địa chỉ những chủ Hộ đang nuôi Ngựa Bạch và nguy cơ suy thoái của nhiều đàn ngựa. Họ cho biết: lúc này hầu như người nuôi ngựa ở ta chỉ quan tâm nhân, nuôi Ngựa Bạch. Nhưng Ngựa Bạch lại đang mất cân bằng về giới do ngựa đực trưởng thành bị giết hàng loạt. Việc phối giống thường là cận huyết. Bởi đã có nơi, một con ngựa bạch đực thường xuyên phối giống cho từ 25 – 30 con ngựa cái. Hầu hết những con đực trưởng thành bị giết, bới nó cho nhiều xương và nấu Cao không bị hao. Hơn nữa lá phổi và bộ phận sinh dục của nó lại được định giá rất cao. Vì thế, những con ngựa đực trưởng thành thường được thương lái mua từ 60 - 70 triệu đồng.
Những câu chuyện mơ hồ về loài ngựa có mắt mầu trắng mây, xung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng (giờ Ngọ) mắt bị lòa không đi nổi một bước, trời tối mắt bắt bóng đèn đỏ như cục lửa. Các lỗ tự nhiên (hậu môn, bộ phận sinh dục, mũi, mõm) có màu hồng đỏ, móng sừng dưới bốn chân của nó đều có màu trắng ngà. Và thực tế người ta đang đua nhau săn lùng hoặc nhân nuôi chúng để lấy nội tạng, dóc xương nấu cao, đang làm cho những đàn ngựa bị suy thoái và nhiều người tiền mất, tật mang. Nên rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, để những đàn ngựa của Việt Nam phát triển bình thường, đúng với giá trị vốn có của nó.